Chính sách tài khóa với nguồn lực rất lớn đã đi vào cuộc sống
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, thời gian qua về chính sách tài khóa, chúng ta đã đưa ra rất nhiều chính sách với các nguồn lực rất lớn và đã đi vào cuộc sống. Giảm thuế là để kích cầu, kích thích tiêu dùng, nhưng cần phải lựa chọn, không phải mặt hàng nào cũng cần được khuyến khích.
PV: Tại kỳ họp này, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng với các đối tượng như trong năm 2022, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Có ý kiến cho rằng, đề xuất như vậy là phù hợp. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị nên giảm thuế sâu hơn, kéo dài hơn, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ông nhận định về điều này như thế nào?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Giảm thuế là để kích cầu, kích thích tiêu dùng, nhưng cần phải lựa chọn, không phải mặt hàng nào cũng cần được khuyến khích. Như vậy, các mặt hàng cần điều tiết, hạn chế tiêu dùng vẫn phải duy trì mức thuế. Còn những mặt hàng cần khuyến khích thì chúng ta giảm thuế.
Với tinh thần đó, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43), Quốc hội đã quyết định giảm thuế GTGT 2% với các mặt hàng, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.
Cần căn cứ vào các số liệu vĩ mô để đánh giá mức độ an toàn zoom tín dụng
Phân tích cụ thể về sự linh hoạt của chính sách tiền tệ, cũng như việc zoom tín dụng ở mức độ nào là phù hợp? Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng, do chưa có số liệu cụ thể nên không thể võ đoán. Các cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước cần căn cứ vào các số liệu vĩ mô để đánh giá mức độ an toàn, các nguy cơ ở đâu để xác định zoom tín dụng tung tiền ra như thế nào để vẫn đảm bảo mục tiêu lạm phát trong chỉ tiêu Quốc hội cho phép mà vẫn hỗ trợ được cho doanh nghiệp. "Ở đây, chúng tôi chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng là lạm phát hạ xuống rất thấp, thấp hơn cả kỳ vọng, đó là cái khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu có thể ta nới ra một chút vẫn có thể chịu đựng được. Đó là đề xuất, kiến nghị để Chính phủ cân nhắc" - đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Như vậy, Quốc hội đã cân nhắc một số lĩnh vực vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí thu được lợi nhuận lớn hơn trước trong điều kiện dịch bệnh khó khăn, thì không giảm thuế. Trong giai đoạn hiện nay, những lĩnh vực này cũng chưa thể đánh giá hết tác động khó khăn nên cũng chưa thuyết phục được giảm thuế. Ví dụ, một số ngân hàng vừa qua còn báo lãi lớn; sự chênh lệch lãi suất cho vay với lãi suất huy động vẫn chưa được đánh giá kỹ càng nên thực tế ngân hàng vẫn chưa phải khó khăn cần giảm thuế. Tương tự, lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, trên thực tế cũng đang nhiều khó khăn nhưng cũng chưa có đánh giá riêng rẽ cụ thể nên cũng chưa đủ thuyết phục để được giảm thuế.
Do đó theo tôi, trước mắt giảm thuế theo phạm vi, quy mô Nghị quyết số 43 là hợp lý trong bối cảnh nghị quyết đã được đánh giá tác động kỹ, đã được lựa chọn đối tượng tương đối kỹ.
PV: Hiện nay, mức giảm thuế như thế nào là phù hợp cũng nhận được nhiều đóng góp của các ĐBQH. Mong muốn giảm thuế sâu hơn, dài hơn, nhưng nhiều ý kiến vẫn đề nghị Chính phủ phải tính toán kỹ lưỡng, tránh ảnh hưởng tới nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN). Vậy theo ông, nên thế nào?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Có ý kiến cho rằng, việc đề xuất giảm 6 tháng (từ tháng 6 - tháng 12/2023) liệu chính sách có giật cục, nay lên mai xuống. Riêng việc các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp phải điều chỉnh hệ thống cũng đã là khó khăn, phức tạp. Song, việc có nên kéo dài hơn hay không cũng cần phải có sự đánh giá tác động trên cơ sở đảm bảo cân đối điều hành kinh tế vĩ mô.
Để ổn định kinh tế vĩ mô thì phải đảm bảo một số cân đối lớn và thu - chi ngân sách là một trong những cân đối cực kỳ quan trọng. Chúng ta có thể hiểu nôm na rằng: Các nhiệm vụ chi đã được xác định rồi, phải có tiền để chi; nếu không là bất ổn ngay. Mà muốn có tiền để chi thì phải có nguồn thu. Nguồn thu đã khó khăn, mà cứ muốn giảm thì lấy đâu ra tiền để chi. Không có tiền chi đầu tư, chi khám chữa bệnh cho người dân… thì liệu có được? Tôi nói như vậy để thấy rằng, cần phải cân đối hài hòa.
Hiện nay, theo đánh giá của Chính phủ, 4 tháng đầu năm nay, thu NSNN có những khó khăn, nếu giảm lớn hơn, giảm dài hơn thì NSNN có chịu được không? Về cơ bản mức giảm và thời gian như vậy, tôi cho rằng đó là phù hợp. Sau 6 tháng, chúng ta có thể đánh giá lại.
PV: Vậy theo ông, phương án tăng thêm bội chi trong năm nay liệu có nên tính đến không?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Năm ngoái, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đã phải tăng bội chi. Nếu bội chi lớn quá thì cũng là nguy hiểm với nền kinh tế, ảnh hưởng đến sự ổn định. Cứ đi vay về tiêu nhiều thì con cháu sau này gánh nợ, nền kinh tế sau này phải trả nợ lãi. Cho nên các chính sách cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và cân đối hài hòa là như vậy.
PV: Những chính sách tài khóa tung ra trong thời gian qua, theo đánh giá là một trong những trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, dường như chính sách tiền tệ còn quá e dè. Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, một số đại biểu đề nghị ngành Ngân hàng cũng cần phải có giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp chứ không phải trông chờ chỉ vào chính sách tài khóa. Quan điểm của ông về về vấn đề này ra sao?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Thúc đẩy tăng trưởng, phải phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Thời gian qua, về chính sách tài khóa chúng ta đã tung ra rất nhiều chính sách với các nguồn lực rất lớn, hiệu quả đi vào cuộc sống ra sao đã được ghi nhận rồi.
Tuy nhiên, đúng là chính sách tiền tệ dường như vẫn còn quá e dè. Doanh nghiệp đang khó khăn, nhu cầu vốn rất lớn, chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay đúng ra phải được doanh nghiệp hưởng ứng, phải được ngân hàng thực thi, nhưng không rõ nguyên nhân vì sao kết quả lại rất hạn chế.
Vấn đề linh hoạt trong zoom tín dụng có lẽ chưa thực sự linh hoạt, đặc biệt là điều hành lãi suất chặt, để lãi suất tín dụng quá cao. Đó là cái đánh mạnh vào doanh nghiệp nhất, làm cho doanh nghiệp khó khăn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ngành Ngân hàng phải chia sẻ với doanh nghiệp
Nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại tổ cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất 2% chưa đi vào cuộc sống. Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) nhận định, gần như trong năm 2022 và dự kiến năm nay, chính sách này không đạt được mục tiêu đề ra vì số tiền cho vay rất thấp.
Vị đại biểu này dẫn chứng, trong năm 2022 mới chỉ cho vay được 153 tỷ đồng/hơn 16 nghìn tỷ đồng và năm 2023 dự kiến chỉ cho vay khoảng 2.435 tỷ đồng, cũng là rất thấp. “Gói lãi suất hỗ trợ chúng ta đưa ra không hấp thụ được, trong khi lãi suất trên thị trường hiện nay còn cao” - đại biểu Trần Chí Cường cho hay.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng, tình hình kinh tế thế giới đang đi xuống, trong nước còn nhiều khó khăn, lãi suất cho vay cao đã làm khó doanh nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí: “Báo chí phản ánh, một loạt ngân hàng lãi rất cao. Lợi nhuận quý I của ACB tăng 24% so với cùng kỳ, SHB tăng 10%, VCB tăng 14%... Lợi nhuận sau thuế của 10 ngân hàng quý I là tăng 17,8%, giữa lúc tất cả đang khó khăn, ngân hàng thản nhiên mang lợi nhuận về cho mình. Việc này, Thủ tướng đã có ý kiến, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái, nhưng khá nhỏ giọt. Ngành Ngân hàng phải có giải pháp tham gia điều tiết kinh tế - xã hội, là “bà đỡ” cho các doanhh nghiệp tồn tại và phát triển”.