Chính sách 'tam nông', nâng tầm nông nghiệp

Quá trình thực hiện Nghị quyết 14, nhìn chung cả 3 lĩnh vực về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, so sánh với những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết và soi rọi thực tế, vẫn còn hạn chế, chưa có chuyển biến rõ rệt. Do đó, cần có các giải pháp quyết liệt, quyết tâm cao để đạt kết quả tốt hơn.

Chính sách

Bài 1: Những mô hình nông nghiệp chiều sâu

Bài 2: Nghị quyết 14 - bệ đỡ cho nông dân

Bài 3: Soi rọi thực tế để đổi mới

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An và lãnh đạo UBND tỉnh thăm trang trại nông nghiệp tại Bắc Bình (ảnh tư liệu).

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An và lãnh đạo UBND tỉnh thăm trang trại nông nghiệp tại Bắc Bình (ảnh tư liệu).

Còn tồn tại và nhiều thách thức

Trong nội dung dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thừa nhận, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thời gian qua, tuy đã có những bước chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm so với điều kiện sẵn có, chưa có sự đột phá. Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh giá trị còn thấp, chưa có thương hiệu, mẫu mã phù hợp, sức cạnh tranh còn thấp. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn khiêm tốn, một số tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất chủ yếu đang triển khai dưới hình thức mô hình trình diễn, chưa nhân rộng được nhiều.

Đặc biệt, hiện nay đại dịch Covid-19 kéo dài, lan rộng nên ngành nông nghiệp sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách tích tụ ruộng đất theo cơ chế thị trường còn nhiều thách thức. Một thực tế nữa là đầu ra sản phẩm nhiều cây trồng chủ lực của tỉnh còn bấp bênh, xuất khẩu sản phẩm lợi thế chưa có sự đột phá để phát triển nhanh và vững chắc, chất lượng, an toàn thực phẩm có quan tâm nhưng chưa toàn diện. Bên cạnh đó, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chưa nhiều, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn hạn chế, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp còn thấp…

Theo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, nguyên nhân chủ quan được xác định là nhận thức của cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí của cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân, doanh nghiệp có nơi, có lúc còn chưa tốt. Có nhiều chính sách, nhưng tổ chức thực hiện chưa tốt và thiếu nguồn lực nên nhiều chủ trương, chính sách không vào cuộc sống. Hơn nữa, nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho cơ cấu lại nông nghiệp còn hạn chế, thu hút đầu tư xã hội còn thấp…

Quyết liệt các giải pháp

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến Dự thảo Báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 14. Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã nhấn mạnh, Nghị quyết 14 có ý nghĩa rất quan trọng. Sau 4 năm triển khai thực hiện, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so sánh với những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết và soi rọi thực tế, vẫn còn hạn chế, chưa có chuyển biến rõ rệt. Do đó, cần có các giải pháp quyết liệt, quyết tâm cao để đạt kết quả tốt hơn.

Trang trại đầu tư ứng dụng công nghệ cao.

Trang trại đầu tư ứng dụng công nghệ cao.

Chính vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, cần sơ kết để nhận diện, đánh giá lại những kết quả, tiếp tục bám các nội dung nêu trong Nghị quyết 14. Trong đó, một số mục tiêu, giải pháp tiếp tục đưa vào nghị quyết mới về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đến năm 2025 sẽ được xây dựng trong năm 2021... Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, quá trình bám sát các nội dung Nghị quyết 14, cần quan tâm tập trung chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ thời kỳ cách mạng 4.0. Trên nền tảng phát triển từng vùng, từng ngành, qua đó định hình lại cây chủ lực, cây lợi thế. Phải quan tâm chỉ đạo phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, từ khâu đất, nước, phòng trừ sâu bệnh, canh tác, tính toán chu kỳ mùa vụ… Ban cán sự Đảng cần rà soát các mục tiêu, giải pháp, xác định các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết 14. Mục tiêu nào không phù hợp thì đề xuất điều chỉnh, thay đổi, các giải pháp đưa ra phải quyết liệt, quyết tâm cao để đạt kết quả tốt.

Hiện nay, UBND tỉnh đang trong quá trình dự thảo về Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị đến năm 2025. Qua đó, mục tiêu nhằm tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản... Phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ngang bằng tỉnh bạn.

Nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội. Trước tình hình, cơ hội đó, phải phát huy lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh để phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà.

Nghị quyết 14 với các định hướng, chính sách về “tam nông”, đã và sẽ là động lực vô cùng quan trọng để nâng tầm nền nông nghiệp tỉnh nhà. Cùng với đó, sắp tới lợi thế của tỉnh sẽ được phát huy, tăng cường liên kết vùng khi tuyến cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh) và Cảng hàng không Phan Thiết đang và sẽ được khởi công xây dựng. Khi hoàn thành, sẽ tạo ra những động lực mới cho sự phát triển nông nghiệp.

Kiều Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/chinh-sach-tam-nong-nang-tam-nong-nghiep-bai-3-139407.html