Chính sách thuế quan 'có đi có lại' của Mỹ
Ngày 2.4 tới, chính sách thuế quan 'có đi có lại' của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, Mỹ sẽ áp đặt mức thuế bằng với các nước khác áp đặt đối với hàng hóa Mỹ, có tính đến từng mối quan hệ thương mại. Trong bối cảnh tác động của chính sách này chưa thể được đánh giá đầy đủ, các rào cản phi thuế quan sẽ làm phức tạp thêm bức tranh. Các quốc gia có thể giảm hàng rào bảo hộ của mình để tránh bị trả đũa hoặc có thể trả đũa mạnh hơn và biến cuộc chiến thuế quan thành chiến tranh thương mại toàn diện.
Thuế quan có đi có lại là gì?
Thuế nhập khẩu (tariff) là loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia khác. Còn thuế đối ứng (reciprocal tariffs) có thể hiểu là thuế quan có đi có lại, nhằm đưa thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu ngang bằng với thuế suất của các quốc gia khác, như Tổng thống Donald Trump đã giải thích khá cụ thể trong chiến dịch tranh cử: “Bạn đánh thuế tôi bao nhiêu, tôi áp trả đúng như vậy, từng con số”.
“Về cơ bản, bất kỳ quốc gia nào đối xử công bằng với chúng tôi, chúng tôi cũng đối xử công bằng với họ”, ông Donald Trump nói với các phóng viên hôm 13.2 về kế hoạch áp thuế đối ứng với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Nguồn: jagranjosh
“Không quan trọng đó là đối thủ chiến lược như Trung Quốc hay các đồng minh như Liên minh châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc”, một quan chức Nhà Trắng giấu tên nói với các phóng viên. “Mỗi quốc gia trong số đó đang lợi dụng chúng tôi theo những cách khác nhau và Tổng thống mô tả điều này không khiến đôi bên cùng có lợi trong thương mại”.
Nhà Trắng đề cập đến các quốc gia như Brazil và Ấn Độ khi công bố kế hoạch thuế quan mới nhất. Họ chỉ ra mức thuế ethanol của Mỹ là 2,5% trong khi Brazil áp thuế tới 18% đối với ethanol nhập khẩu từ Mỹ.
Mỹ cũng cho rằng mức thuế 10% mà EU này áp đặt với ô tô nhập khẩu là quá cao so với mức thuế 2,5% mà Mỹ áp dụng - và ông Trump gọi hành động này là “tàn bạo” về thương mại. Tuy nhiên, Nhà Trắng dường như lờ đi rằng, Mỹ đang áp mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm khác như xe tải hạng nhẹ.
Cùng với thuế đối ứng, 25% thuế khác đối với ô tô nhập khẩu cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 2.4. Trước đó, chính quyền Donald Trump đã áp dụng mức thuế mới từ 10 - 25% đối với Canada, Trung Quốc và Mexico.
Mỹ sẽ áp dụng như thế nào?
Để thực hiện thuế đối ứng, Mỹ có thể tăng thuế nhập khẩu để phù hợp với mức mà các quốc gia khác áp dụng cho các sản phẩm của họ, và các quan chức cho biết thuế sẽ được áp dụng theo từng quốc gia.
Nhưng bên cạnh việc xem xét mức thuế mà các nước khác áp đặt lên hàng hóa Mỹ, kế hoạch của ông Trump cũng sẽ xem xét cả các yếu tố phi thuế quan. Bản ghi nhớ của Nhà Trắng ngày 13.2 nêu rõ, Mỹ cũng xem xét “bất kỳ hạn chế không công bằng nào đối với quyền tiếp cận thị trường hoặc bất kỳ trở ngại mang tính cấu trúc nào đối với cạnh tranh công bằng”. Điều này bao gồm thuế giá trị gia tăng và các rào cản phi thuế quan. Nói cách khác, mỗi mối quan hệ thương mại sẽ được xem xét toàn diện.
Lấy gì đo lường biện pháp phi thuế quan?
Trong khi việc xem xét các mức thuế nhập khẩu tương đối dễ dàng, thì quá trình đo lường mức thuế tương đương của các biện pháp phi thuế quan vô cùng phức tạp và dễ xảy ra sai sót. Hoa Kỳ sẽ phải cân nhắc xem có nên đo lường mức thuế tương đương của biện pháp phi thuế quan đang áp dụng trên thị trường của mình hay không. Những biện pháp này đã tăng đáng kể dưới thời chính quyền Biden, với việc tăng mạnh trợ cấp và sử dụng công khai các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu. Hoa Kỳ cũng có lịch sử lâu dài về mức thuế cao đối với một số sản phẩm nhất định, với mức thuế tối đa trên 100% đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm.
Một thước đo minh bạch, mặc dù chưa đầy đủ, về sự đối xử thương mại không bình đẳng là sự khác biệt về mức thuế quan trung bình. Lấy Đông Nam Á làm ví dụ, sự khác biệt với Hoa Kỳ tương đối nhỏ. Thuế quan trung bình theo trọng số của Hoa Kỳ vào năm 2023 là 2%, thấp hơn một chút so với mức thuế mà các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ phải đối mặt ở tất cả các nước Đông Nam Á, ngoại trừ Indonesia. Vào năm 2023, sự khác biệt cao nhất là ở Thái Lan với chỉ 3%, tiếp theo là Malaysia với 1% và Việt Nam với 0,2%.
Trong khi thuế quan ở Đông Nam Á đã giảm mạnh, các rào cản phi thuế quan lại tăng mạnh. Những khác biệt này có thể cung cấp cho chính quyền Hoa Kỳ một cái cớ để gia tăng thuế quan đáng kể, đặc biệt là nếu họ bỏ qua các rào cản phi thuế quan mà Mỹ đang áp dụng. Việc tối đa hóa sự khác biệt về mức độ bảo hộ có thể tăng đòn bẩy nếu chính sách này được thiết kế như một công cụ đàm phán.
Ai thắng, ai thua?
Sẽ có người thắng và kẻ thua từ chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump, phụ thuộc vào cách nó được thực hiện. So với tình trạng hiện tại, chính sách thuế mới sẽ tác động tiêu cực đến các quốc gia có tỷ lệ bảo hộ cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ và ít tác động tới những quốc gia không có bảo hộ.
So với mức thuế quan toàn diện mà ông Trump đề xuất ban đầu, thì chính sách thuế quan có đi có lại sẽ tạo ra người thắng và kẻ thua. Tác động sẽ phụ thuộc vào tầm quan trọng của Hoa Kỳ với tư cách là đối tác thương mại và sẽ khác nhau tùy theo sản phẩm trên cơ sở khác biệt về mức độ bảo hộ.
Một chính sách thuế quan có đi có lại cũng sẽ phải chịu những chi phí thực hiện khổng lồ. Ngay cả khi chính sách này đưa đến mức thuế quan thấp hơn ở các đối tác thương mại của Hoa Kỳ, thì lợi ích cũng sẽ không đủ để bù đắp cho chi phí thực hiện. Nhận ra những chi phí này, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã đề xuất tập trung vào những quốc gia vi phạm chính, được gọi là “15 quốc gia đứng đầu danh sách”.
Với rất nhiều điều còn chưa rõ về việc chính sách thuế quan qua lại của Mỹ, rất khó để xác định tác động ròng của nó đối với từng quốc gia hoặc thế giới. Nó đặt ra câu hỏi liệu chính sách này có khiến các đối tác thương mại của Hoa Kỳ giảm rào cản trước khi chính sách có hiệu lực hay trả đũa khi thuế quan mới được áp dụng sau ngày 2.4 hay không.
Trường hợp đầu tiên có thể là một điểm tích cực nếu "chủ nghĩa thuế quan” mà ông Donald Trump thú nhận không khiến ông tìm ra lý do mới để tăng thuế. Cùng quan điểm này, một số chuyên gia xem kế hoạch thuế quan có đi có lại của ông Trump có thể chỉ là một chiến thuật đàm phán nhằm buộc các đối tác thương mại của Mỹ phải hạ thuế quan đối với hàng hóa Mỹ, thay vì là tiền đề để Mỹ tăng thuế quan. Nếu đúng là như vậy, quy trình tính toán mức thuế quan mới có thể sẽ dẫn tới giá cả hàng hóa ở Mỹ rẻ hơn.
“Chuyện này có thể đi theo nhiều chiều hướng rất tồi tệ đối với Mỹ. Nhưng nếu ông Trump có thể khiến các quốc gia khác mở cửa thị trường, vẫn có một cơ hội mong manh mà ở đó kế hoạch này, rốt cục lại thúc đẩy thương mại”, bà Christine McDaniel, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ thời chính quyền Tổng thống George W. Bush và hiện là nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Mercatus, Đại học George Mason ở Virginia, nhận định với New York Times.
Nếu là trường hợp sau, chính sách thuế quan mới sẽ thúc đẩy một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng có thể nhanh chóng leo thang ngoài tầm kiểm soát. Thay vì thay thế khía cạnh khó lường trong chính sách thương mại của Mỹ, nó có thể chỉ đơn giản là thêm một cơ chế mới để áp thuế. Trong khi một số quốc gia có thể giảm một số rào cản để xoa dịu Mỹ và tránh bị tăng thuế có đi có lại, thì có vẻ như hầu hết các nước sẽ không làm vậy. Nhưng cho đến khi biện pháp này có hiệu lực, không có gì là chắc chắn.