Chính sách thuế với đồ uống có cồn phù hợp với thông lệ quốc tế

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%; rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%.

Toàn cảnh tạo đàm. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh tạo đàm. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Chiều ngày 30/7, tại tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia là cần thiết, cấp bách, không chỉ điều tiết tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thúy Anh, Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%; rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%. Mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016 - 2018, tuy nhiên, sức mua của người Việt Nam vẫn tăng. Hiện, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp.

Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thuế rượu, bia của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40 - 85% giá bán lẻ. Do vậy, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu và bia từ năm 2016 - 2018 chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu bia. Trước mắt, cần tiếp tục tăng thuế để ít nhất tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40% giá bán lẻ.

Thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế, rượu, bia là yếu tố xếp thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm.

Không chỉ vậy, việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia còn gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội như tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam vào năm 2017 là 4 tỷ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách nhà nước (chưa tính đến chi phí gián tiếp).

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chinh-sach-thue-voi-do-uong-co-con-phu-hop-voi-thong-le-quoc-te/342112.html