Chính sách thương mại của ông Trump sẽ ảnh hưởng gì đến thị trường năng lượng toàn cầu?
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ còn bốn tháng nữa kết thúc, nhưng tại một số thủ đô, các chính trị gia đã bắt đầu lo lắng. Ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế đối với hầu hết mọi thứ nhập khẩu vào nước này nếu tái đắc cử. Nhưng một số người Mỹ vẫn lo lắng vì chính sách thuế quan có thể đảo lộn các mặt hàng năng lượng.
Reuters đã viết trong một bài báo tuần này rằng cách tiếp cận thuế quan rất có thể sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu năng lượng của Mỹ sang Trung Quốc, đây cũng là mục tiêu chính của kế hoạch đó, theo hướng tiêu cực.
Theo hãng tin này, về cơ bản, Trung Quốc có thể cấm mọi hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Mỹ để đáp trả các mức thuế quan. Điều đó sẽ không tốt cho giá dầu hoặc LNG trên toàn cầu.
Tuy nhiên, điều này sẽ tốt cho châu Âu, khối quốc gia nhập khẩu lớn các mặt hàng năng lượng của xứ cờ hoa và sẽ được hưởng lợi đáng kể từ giá hàng hóa thấp hơn trong trường hợp ông Trump áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các kế hoạch trả đũa từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, châu Âu cũng đang ở trong tình thế bấp bênh vì ông Trump đề xuất sẽ áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu, bao gồm cả hàng nhập khẩu từ khối.
Theo báo cáo của Financial Times vào tháng trước, "lục địa già" đang chuẩn bị hai phản ứng thay thế đối với các chính sách thương mại của Trump, nếu ông đắc cử. Phản ứng đầu tiên là đề xuất một thỏa thuận thương mại với chính quyền mới. Phản ứng còn lại là đe dọa trả đũa.
Theo Oilprice, châu Âu dường như đã lên kế hoạch kỹ lưỡng để ứng phó với các chính sách thương mại nếu ông Trump tái đắc cử.
Họ cũng không quên các chính sách mà chính quyền ông Trump đã áp dụng đối với một số mặt hàng nhập khẩu của châu Âu vào thời điểm đó. Khi đó, ông Trump đã áp thuế đối với thép và nhôm của EU. Để trả đũa, khối áp thuế quan đối với xe máy và rượu whisky của Mỹ.
Lần này cũng không khác là bao. EU không đủ tự tin tuyên bố sẽ ngừng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc dầu thô của Mỹ để trả đũa cho các mức thuế quan tiềm tàng.
Tuy nhiên, động thái đó có thể xảy ra đối với Trung Quốc vì nước này có quyền tiếp cận các nhà cung cấp năng lượng thay thế, đáng chú ý là Nga.
Reuters đưa ra một tình huống giả định, trong đó tất cả các đối tác thương mại của Mỹ đều trả đũa thuế quan của Trump bằng thuế quan của riêng họ. Hãng tin viết rằng điều này sẽ khiến xuất khẩu năng lượng của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn và buộc các nhà sản xuất phải giảm giá để duy trì hoạt động trong thương mại dầu khí toàn cầu.
Tuy nhiên, khả năng một kịch bản như vậy thực sự xảy ra là khá mong manh. Trước hết, như đã lưu ý, một số khách hàng lớn của Mỹ thực sự không có nhà cung cấp thay thế, vì vậy họ chỉ có thể tiếp tục mua dầu và khí đốt của quốc gia này như trước đây.
Điều này đúng với EU cũng như Nhật Bản, quốc gia bị ràng buộc bởi các lệnh trừng phạt của G7 đối với Nga nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu các mặt hàng năng lượng của Nga.
Hơn nữa, việc từ chối các mặt hàng của Mỹ bởi những quốc gia mạnh, chẳng hạn như Trung Quốc, sẽ gây áp lực lên giá dầu và khí đốt của xứ cờ hoa, khiến chúng trở nên dễ chấp nhận hơn ngay cả khi có thuế quan.
Dẫu vậy, để xem điều gì thực sự sẽ xảy ra trong trường hợp áp thuế, chúng ta sẽ phải đợi đến tháng 11.