Chính sách tiền tệ đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế

Ngày 9/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, năm cuối trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, là năm quan trọng để đánh giá, tổng kết trong nhiệm kỳ vừa qua khẳng định nỗ lực, đóng góp của ngành ngân hàng trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước.

Bộ máy tinh gọn, hoạt động giao dịch thông suốt

“Trong năm 2025, điều hành đối diện nhiều khó khăn thách thức. Trên thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, căng thẳng chính trị leo thang, chính quyền Mỹ tuyên bố áp thuế với các quốc gia,… đã tác động tới tình hình kinh tế, tài chính tiền tệ quốc tế. Với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu không ít ảnh hưởng.

Năm 2025, Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8%, tạo đà tăng trưởng cao vào những năm tiếp theo. Bối cảnh thì khó khăn nhưng mục tiêu đòi hỏi chúng ta phải chủ động, bứt phá đặt ra nhiều thách thức cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành và cả hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ ngành đã thực hiện một nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ đó là tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động theo Nghị quyết 18-NQ/TW. Để triển khai hiệu quả, ngay từ khi được quán triệt Nghị quyết này, Ngân hàng Nhà nước đã hành động quyết liệt, chủ động, ngay lập tức thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước. Ban Chỉ đạo đã tiến hành nhiều cuộc họp, phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện sắp xếp, tinh gọn trước hết là bộ máy bên trong của Ngân hàng Nhà nước theo hướng tăng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước cũng tiến hành sắp xếp, cơ cấu lại còn 15 Ngân hàng Nhà nước khu vực trên tinh thần bám sát hướng dẫn của Bộ Nội vụ đồng thời cân nhắc, phân tích rất kỹ nhiều yếu tố, căn cứ tình hình thực tế từng vùng kinh tế trọng điểm, khoảng cách địa lý…

“Việc sắp xếp lại là nhiệm vụ khó, khối lượng công việc vô cùng lớn. Song toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực theo đúng tinh thần sắp xếp bộ máy nhưng không làm ảnh hưởng tới hoạt động của , giao dịch của doanh nghiệp, người dân thời gian qua”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc tại Hội nghị.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc tại Hội nghị.

Cùng với đó, để thực hiện sáp nhập hợp nhất các tỉnh, triển khai thực hiện chính quyền 2 cấp, ngành ngân hàng phải rà soát đánh giá tất cả văn bản quy phạm phạm luật để chỉnh sửa cho phù hợp, tất cả hành lang pháp lý phải thực hiện từ ngày 1/7.

"Sau 9 ngày thực hiện chính quyền 2 cấp, ngành ngân hàng đã hoàn thành nhiệm vụ vừa thực hiện tinh gọn vừa bảo đảm đến 1/7 toàn Ngành vận hành thông suốt", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Điều hành chính sách linh hoạt, hiệu quả

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong, ngoài nước và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, đến ngày 10/6, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,3%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024. Như vậy, doanh nghiệp và người dân đang tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn trước đây.

Đối với điều hành tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời phối hợp với các công cụ chính sách tiền tệ khác để giảm bớt áp lực đối với tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Tỷ giá đã diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về thị trường vàng. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn.

"Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình tổng hợp ý kiến và tiếp tục thực hiện các bước theo trình tự ban hành Nghị định", Phó Thống đốc thông tin.

Đối với , ngay từ cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện. Thông báo cho nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025.

 Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Với giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tăng trưởng tín dụng tích cực cải thiện so với cùng kỳ năm 2024. Đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024.

Các mặt công tác khác cũng tiếp tục được triển khai tốt như quyết liệt tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và tích cực xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là đã hoàn thành việc chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng luôn được Ngân hàng Nhà nước chú trọng, đổi mới và tăng cường nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng…

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chinh-sach-tien-te-dong-gop-quan-trong-trong-tien-trinh-phat-trien-kinh-te-post892548.html