Chính sách tiền tệ phải đa mục tiêu hơn

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, chính sách tiền tệ năm nay phải đa mục tiêu hơn, bởi phải 'gánh' thêm trọng tâm ổn định hệ thống tiền tệ - tài chính trong bối cảnh thế giới rất bất ổn.

Nới lỏng tín dụng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro

Hôm qua, Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu”.

Các chuyên gia và đại diện ngân hàng chia sẻ tại Diễn đàn

Các chuyên gia và đại diện ngân hàng chia sẻ tại Diễn đàn

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn và nội tại còn nhiều khó khăn, công tác điều hành chính sách tiền tệ gặp rất nhiều khó khăn. “NHNN phải xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau”, ông nói. Đó là làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn bảo đảm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; làm sao để giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; làm sao để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải bảo đảm nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế…

Hiện nay tăng trưởng tín dụng rất chậm, song theo ông Hà, nới lỏng tín dụng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Mong muốn giảm lãi suất của doanh nghiệp là chính đáng, ngành ngân hàng cũng không ai muốn lãi suất huy động và cho vay cao, song chúng ta còn phải tính tới sự ổn định vĩ mô, tỷ giá… tựu trung là ổn định hệ thống ngân hàng”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói.

Chia sẻ với nhà điều hành, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, NHNN đang đi trên dây, vừa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ doanh nghiệp. “Nếu hôm nay doanh nghiệp dồn hết khó khăn vào ngân hàng, thời gian tới ngân hàng khó khăn thì doanh nghiệp cũng gặp khó”, ông nói.

Ở thời điểm hiện tại, chất lượng tín dụng xấu đi đang là lo ngại của các ngân hàng. Theo ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank, tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm chứng tỏ sức hấp thụ của nền kinh tế chững lại. Doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, khan hiếm đơn hàng, thu nhập của người dân sụt giảm… đang tác động trực tiếp đến sức khỏe các ngân hàng. Bằng chứng là báo cáo tài chính quý I.2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy lợi nhuận giảm 4,4%.

Cũng theo ông Tùng, nếu như năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất và cả rủi ro danh tiếng do liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ thì rủi ro lớn nhất năm nay là rủi ro tín dụng. Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Chưa kể, nền kinh tế khó khăn cũng khiến các rủi ro khác gia tăng với lĩnh vực ngân hàng như: rủi ro an ninh các phòng giao dịch, rủi ro gian lận nội bộ, tấn công mạng…

Nợ xấu hiện có dấu hiệu tăng nhanh, dự kiến khoảng 2,5% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ mà NHNN vừa ban hành sẽ làm tốc độ tăng nợ xấu chậm lại. Nhìn chung, vị chuyên gia này cho rằng nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát do năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tốt hơn nhiều giai đoạn trước.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, chủ trương của NHNN là tăng trưởng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực ưu tiên. Thời gian qua, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Tuy vậy, doanh nghiệp muốn vay được vốn thì phải đáp ứng được các yêu cầu, chứng minh năng lực, hoạt động hiệu quả - khả thi. Ngoài ra, tỷ lệ tín dụng/GDP tại nước ta vẫn rất cao. Vì vậy, phải giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng nếu không sẽ khó giảm lãi suất. Điều này không chỉ phụ thuộc vào NHNN mà còn phụ thuộc vào tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lượng doanh nghiệp, cải thiện chất lượng thị trường vốn.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạm dừng tăng lãi suất, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao. Hơn nữa, nguy cơ lạm phát tiềm ẩn trong nước và thế giới vẫn rất lớn. Vì vậy, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

Bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, thời gian tới, chính sách tiền tệ vẫn phải rất thận trọng để giảm các rủi ro, áp lực từ lạm phát, tỷ giá, lãi suất. “Hiện Việt Nam vẫn còn dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đưa dòng tiền mới vào nền kinh tế, từ đó lan tỏa và tạo tác động tích cực”, bà Nga khuyến nghị.

Để nền kinh tế phục hồi, theo TS. Cấn Văn Lực, bài toán lớn nhất năm nay là phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Riêng chính sách tiền tệ năm nay phải đa mục tiêu hơn, vì ngoài mục tiêu thông thường còn phải “gánh” mục tiêu ổn định hệ thống tiền tệ trong bối cảnh thế giới rất bất ổn.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/chinh-sach-tien-te-phai-da-muc-tieu-hon-i327621/