Chính sách tín dụng cho người mãn hạn tù: Triển khai sao cho hiệu quả?
Quyết định 22/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù vừa có hiệu lực từ ngày 10/10, với nhiều nội dung đáng chú ý: Đối với vay vốn để đào tạo nghề, mức cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.
Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người, thời hạn tối đa 10 năm.
Chính sách này có ý nghĩa thế nào với công tác bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội? Và cần triển khai ra sao để đem lại hiệu quả? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung, nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
PV: Ông đánh giá thế nào về Quyết định 22 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ?
Ông Lê Quang Trung: Đây là quyết định mà tôi cho rằng rất đúng và “trúng”, là một mũi tên trúng đa mục đích: vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa đảm bảo an ninh trật tự, thay đổi nhận thức, sự kỳ thị của xã hội và cũng là cơ hội rất tốt để người mãn hạn tù không còn tự ti. Kịp thời hỗ trợ người mãn hạn tù và doanh nghiệp sử dụng người mãn hạn tù, tận dụng tối đa nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện nay.
Tháng 12/2016, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 44 để hướng dẫn Nghị định 80/2011 về tái hòa nhập cộng đồng với người mãn hạn tù. Thông tư này đã có quy định về tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, cho vay vốn, cũng đã được nhiều địa phương triển khai thực hiện.
Nhiều địa phương đã triển khai các quỹ để tư vấn, hỗ trợ, cho vay vốn, tạo việc làm. Các quỹ “hoàn lương”, quỹ doanh nhân với an ninh trật tự, hay quỹ tái hòa nhập cộng đồng cũng đem lại những kết quả rất đáng khích lệ, số người tái phạm hạn chế rất nhiều so với những nơi không có quỹ.
PV: Theo ông, các địa phương cần triển khai như thế nào để quyết định này mang đến nhiều tác động xã hội tích cực?
Ông Lê Quang Trung: Thứ nhất, tập trung nâng cao nhận thức, trước hết là cán bộ ở các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã, cán bộ của các tổ chức chính trị, xã hội. Tạo ra nhận thức đầy đủ đối với người thực hiện xong án phạt tù để họ có cơ hội có việc làm, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của chính sách này. Đồng thời, chúng ta cũng tuyên truyền, phổ biến, tạo cho cộng đồng có cách nhìn mới, tin tưởng hơn vào những người đã chấp hành xong án phạt tù, tránh kỳ thị, để họ tự khẳng định mình trong cộng đồng dân cư.
Thứ hai, các địa phương cần có kế hoạch phối hợp để nắm chắc những người chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù, họ còn thiếu gì để chúng ta hỗ trợ, để họ sớm có việc làm, ổn định cuộc sống.
Tôi muốn đề xuất theo hướng 5 hỗ trợ: định hướng công ăn việc làm; hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong quá trình họ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ về vốn làm sao đúng tiến độ, kịp thời; hỗ trợ thị trường tiêu thụ nếu họ tự sản xuất, kinh doanh; quản trị tài chính vĩ mô, sử dụng nguồn vốn vay sao cho hiệu quả, hợp lý.
Muốn làm được việc này, các ngành chuyên môn ở địa phương cùng ngành LĐ-TB&XH, công an cần có chương trình phối hợp hết sức cụ thể.
Thứ ba, các địa phương cần bố trí nguồn vốn thông qua ngân hàng chính sách xã hội để nhóm đối tượng này thực hiện được dự án của mình. Ngân hàng chính sách xã hội cũng có cơ chế huy động từ những nguồn khác để có nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho nhóm đối tượng này.
Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp để họ tuyển dụng người mãn hạn tù thông qua chương trình giới thiệu việc làm của trung tâm dịch vụ việc làm. Có nhiều trung tâm đã làm rồi, như Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nam, Bắc Giang, đem lại hiệu quả hết sức tích cực. Đồng thời, những chính sách hỗ trợ thêm nữa, giảm chi phí cho các doanh nghiệp nhận người mãn hạn tù vào làm việc.
Thứ năm, các địa phương cũng cần thường xuyên tổng kết, đánh giá các mô hình. Chúng ta đã có các mô hình như ở Nga Sơn, Thanh Hóa, mô hình những năm 90 của TP. Đà Nẵng, của Đồng Nai... nhân rộng các mô hình điểm, cách làm tốt.
Thứ sáu, chúng ta có sự kiểm tra, giám sát, động viên kịp thời với người mãn hạn tù trở về địa phương, có việc làm ổn định. Nhất là những người khởi sự doanh nghiệp, thu hút nhiều lao động, cần khen thưởng, động viên, khích lệ.
Thứ bảy, cần ra soát lại hệ thống chính sách hiện có, tạo điều kiện hơn nữa cho người chấp hành xong án phạt tù và doanh nghiệp sử dụng người mãn hạn tù.
PV: Xin cảm ơn ông!