Chính sách tốt, bài báo khoa học tăng

Nhiều trường đại học có điều chỉnh trong chính sách khen thưởng với GV, cán bộ viên chức tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH).

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương (thứ 2 từ phải qua) tham quan một phòng thí nghiệm tại IU.

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương (thứ 2 từ phải qua) tham quan một phòng thí nghiệm tại IU.

Điều này đã tạo cú hích cho công tác nghiên cứu ở các đơn vị, với biểu hiện rõ nhất là số lượng bài báo khoa học ngày càng tăng.

Tăng tiền thưởng

Tại nhiều cơ sở GDĐH, chính sách tăng tiền thưởng trong NCKH đã góp phần gia tăng tỷ lệ bài báo khoa học trong những năm gần đây. Theo PGS.TS Hoàng An Quốc - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ quốc tế (KHCN&QHQT), Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), việc tăng tiền thưởng trong NCKH và bài báo quốc tế hoàn toàn phù hợp với công sức của các nhà khoa học và tình hình kinh tế hiện nay. Đây là một trong những chính sách cần thiết nhằm thúc đẩy NCKH cũng như công bố quốc tế.

“Năm 2014, HCMUTE thưởng cho 1 bài báo có chất lượng là 10 triệu đồng thì có 34 công bố quốc tế (ISI/SCIE/SCI, Scopus); trong khi đó, năm 2020, số tiền thưởng này tăng lên 100 triệu/bài, số lượng bài báo quốc tế cũng tăng lên đáng kể là 165 bài. Con số này được dự đoán sẽ tăng nhanh trong những năm tới...” - PGS.TS Hoàng An Quốc chia sẻ.

Cũng theo PGS.TS Hoàng An Quốc, tổng số tiền thưởng của HCMUTE dành cho các bài báo từ 177 triệu đồng (năm 2014) đã tăng lên 3 tỷ đồng trong năm 2020.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU) cho biết: Từ năm 2014, nhà trường ban hành quy chế hoạt động khoa học - công nghệ của giảng viên và khen thưởng bài báo khoa học. Theo đó, bài công bố khoa học quốc tế đạt chất lượng cao được thưởng lên đến 150 triệu đồng. Những bài báo khoa học trong nước cũng có mức khen thưởng phù hợp. Mức thưởng này được điều chỉnh tăng dần và hiện là 180 triệu đồng.

Tương tự, từ năm 2016, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) đưa ra chính sách khen thưởng cho giảng viên có bài báo công bố quốc tế. Mức thưởng cao nhất 200 triệu đồng/bài. Từ chính sách này, số lượng bài báo công bố quốc tế của trường tăng dần đều trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2016 có 44 bài, 2017 là 57 bài, 2018 là 60 bài và năm 2019 có 82 bài.

Với định hướng phát triển là ĐH nghiên cứu nên Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM đã có đầu tư bài bản trong hoạt động NCKH. Theo PGS.TS Phạm Văn Hùng - Trưởng phòng Quản lý khoa học IU, nhà trường có chính sách khen thưởng công bố quốc tế từ năm 2008 đến nay với số tiền tương đương 1.500 USD/1 bài báo thuộc danh mục

ISI/Scopus. Hằng năm trường đạt tỉ lệ là 0,8 bài báo ISI scopus/tiến sĩ. Đặc biệt, 2 năm nay gần đây do các nhóm nghiên cứu tích cực nên tỉ lệ tăng lên 1,4 bài/tiến sĩ. Trong đó, số lượng tiến sĩ chiếm tỉ lệ 63% tổng số cán bộ viên chức của trường.

Bảng so sánh số lượng bài báo khoa học và tiền thưởng của HCMUTE từ năm 2014 - 2020.

Bảng so sánh số lượng bài báo khoa học và tiền thưởng của HCMUTE từ năm 2014 - 2020.

Tăng trưởng nhờ thúc đẩy các chính sách

Bên cạnh việc tăng tiền thưởng, nhiều trường đại học đã hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, nghiên cứu trọng điểm theo chủ trương của Bộ GD&ĐT. Việc hình thành các nhóm nghiên cứu này đã tạo nên “cú hích” cho sự phát triển trong nghiên cứu khoa học nói riêng, đồng thời góp phần không nhỏ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH.

Năm 2018, Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE) thành lập được hai nhóm nghiên cứu mạnh: Nhóm nghiên cứu Vật lý tính toán về nguyên tử, phân tử trong điện từ do GS.TSKH Lê Văn Hoàng là trưởng nhóm với 7 thành viên. Nhóm nghiên cứu Tâm lý học giáo dục do GS.TS Huỳnh Văn Sơn làm Trưởng nhóm với 8 thành viên.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng HCMUE cho biết: Nhóm nghiên cứu Vật lý tính toán về nguyên tử, phân tử trong điện từ đã có những thành tựu nổi bật với gần 40 công bố khoa học quốc tế có uy tín. Nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục thực hiện đúng hạn hai đề tài khoa học cấp Nhà nước trong chương trình khoa học giáo dục quốc gia; Chủ trì một đề tài khoa học cấp quốc gia Quỹ Nafosted và nghiệm thu năm 2020; Hoàn thành 2 đề tài khoa học cấp thành phố; Hoàn thành 2 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ và bảo vệ thành công 3 đề tài thanh khoản - nguồn kinh phí tài trợ và nhiều đề tài cơ sở đặt hàng đã và đang tiến hành.

Trong những năm gần đây, số lượng các bài báo khoa học công bố trên các Tạp chí khoa học quốc tế của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) tăng đều. PGS.TS Trịnh Ngọc Nam - Trưởng phòng QLKH&HTQT IUH, cho biết, năm 2019 có khoảng 250 bài, đến năm 2020 đạt 420 bài.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trịnh Ngọc Nam, sự gia tăng bài báo quốc tế của IUH không đến từ việc tăng tiền thưởng, vì mức xét thưởng cho các bài báo khoa học công bố của trường không thay đổi trong những năm vừa qua. Mà sự gia tăng này đến từ sự thay đổi về chủ trương, chính sách và hình thức cho tổng thể các hoạt động NCKH của trường.

“IUH có chủ trương dành 5% tổng nguồn thu cho hoạt động khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực NCKH của GV bằng các khóa đào tạo, tập huấn về khoa học, công nghệ, công bố khoa học. Trường thành lập các nhóm nghiên cứu của giảng viên và sinh viên; đa dạng hóa các hình thức nghiên cứu khoa học: Đề tài, dự án, vườn ươm, câu lạc bộ. Nhà trường đồng thời hỗ trợ công tác đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm nghiên cứu; công tác chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và công nghệ…”, PGS.TS Trịnh Ngọc Nam chia sẻ.

Ngoài tăng tiền thưởng với các công bố quốc tế chưa được tài trợ kinh phí, nhà trường cũng áp dụng nhiều chính sách đồng bộ để phát triển bền vững, trong đó chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu của giảng viên thông qua việc thường xuyên tổ chức các hội thảo quốc tế uy tín. Trường cũng hỗ trợ kinh phí cho giảng viên tham dự hội thảo khoa học và khuyến khích các hoạt động mang tính hội nhập. - PGS.TS Hoàng An Quốc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chinh-sach-tot-bai-bao-khoa-hoc-tang-HVc0L8qGg.html