Chính sách tự chủ đại học cần đi đúng hướng
Sau 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, một số cơ sở giáo dục đại học trong cả nước bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định trong thực hiện quyền tự chủ, được xã hội công nhận, góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập vào giáo dục đại học trên thế giới.
Tuy nhiên, việc học phí đại học đang tăng lên rất cao đã khiến một số đại biểu Quốc hội phải bày tỏ sự lo ngại tại nghị trường.
Không đặt nặng tự chủ tài chính với các trường đại học công lập địa phương
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5 đang diễn ra, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) nhận định, tự chủ giáo dục đại học (ĐH) một mặt giúp các trường ĐH chủ động hơn trong việc quyết định một số vấn đề về chuyên môn, tài chính, nhân sự, nhưng mặt khác lại là thách thức trong vấn đề huy động các nguồn lực tài chính. Qua thực tế khảo sát tại một số trường ĐH cho thấy cũng chính từ cơ chế tự chủ đã làm cho cạnh tranh giữa các trường ĐH ngày càng gay gắt hơn. Bên cạnh đó, do vẫn có sự chưa thống nhất giữa Luật Giáo dục ĐH và một số luật chuyên ngành khác trong việc điều chỉnh các hoạt động giáo dục ĐH làm cho các công cụ chính sách để thực hiện các nội dung tự chủ còn nhiều hạn chế, nhiều trường ĐH gặp khó trong hoạt động tự chủ của mình.
Về tài chính, có nhiều rào cản do sự thiếu đồng bộ trong các quy định của Luật Giáo dục ĐH và một số luật chuyên ngành khác như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Cùng với sự ra đời của Nghị định số 60, Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp công phải thực hiện cắt giảm ngân sách theo lộ trình mỗi thời kỳ ổn định 5 năm làm cho việc chi tiêu tại các cơ sở giáo dục ĐH ngày càng bị thắt chặt hơn, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển nhà trường và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, hoạt động nghiên cứu…
Vì vậy, ĐB Thơ cho rằng cần có sự tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện tự chủ ĐH sau 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Trong đó, đáng chú ý, ĐB Thơ đề xuất, đối với các trường ĐH công lập địa phương, cần phân định rõ các chức năng cơ bản, nhiệm vụ cụ thể và sứ mệnh cốt lõi theo chiến lược phát triển địa phương; đào tạo theo địa chỉ của các bên có nhu cầu; không đặt nặng vấn đề tự chủ tài chính đối với các trường ĐH này; các trường ĐH địa phương cần đánh giá lại thực trạng và hiệu quả đào tạo trong thời gian qua.
Học phí ĐH đang tăng lên rất cao
Tuy nhiên, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho rằng, bên cạnh các quy định bó buộc làm các trường ĐH không tự chủ được thì lại có những quy định, những đường mòn, lối mở để cho các trường ĐH vận dụng và nhiều khi rất thoáng theo chính sách. Chúng ta chứng kiến việc học phí ĐH đang tăng lên rất cao bởi theo Nghị định 81, các trường sẽ được tự quyết mức học phí nếu như kiểm định chương trình đào tạo, dẫn đến một làn sóng các trường đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí và thực tế có những trường, ngành học bình thường không mở nhưng lại mở ngành chất lượng cao của chính ngành học ấy.
ĐB Nghĩa ví von so sánh, nếu dự án BOT mà chúng ta thấy là đường cũ vẫn phải để dân đi và nếu người nào có tiền sẽ đi đường mới với đầu tư mới, thì trong lĩnh vực giáo dục ĐH, nhiều trường đã có những ngành học tăng học phí từ khoảng 20, 30 triệu lên 60 triệu. “Chất lượng cao là điểm đầu vào thấp hơn cả chất lượng bình thường và chỉ tăng thêm một số môn học tiếng Anh”, ĐB Nghĩa chỉ rõ.
Giải trình thêm về vấn đề tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Nghị định 60 quy định có 4 loại: loại thứ nhất là tự chủ hoàn toàn, tức là tự chủ cả chi thường xuyên, cả chi đầu tư; loại thứ hai là tự chủ về chi thường xuyên; loại thứ ba là tự chủ một phần chi thường xuyên và loại thứ tư là ngân sách Nhà nước đảm bảo. Ngoài ra, Nghị quyết 29/2017 của Ban Chấp hành Trung ương đã quy định trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2025 phải phấn đấu đảm bảo 20% đơn vị tự chủ được tài chính và ngân sách sẽ giảm được 10% về vấn đề hỗ trợ cho đơn vị sự nghiệp công lập.
Qua 3 năm thực hiện, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, do COVID-19 nên nguồn thu đơn vị sự nghiệp khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục... nên các đơn vị thuộc ngành y tế và giáo dục đã phản ánh những vấn đề bất hợp lý trong Nghị định 60. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định một cách sát hợp hơn, góp phần đảm bảo cho đất nước phát triển một cách bền vững.