Chính sách tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm phù hợp

Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới xác định: Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn.

Qua công tác thống kê của ngành chức năng, lực lượng lao động bao gồm những người đang làm việc và thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn toàn tỉnh ước có 705.000 người, trong đó có khoảng 317.000 nữ (chiếm tỷ lệ 45,05%). Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm ước 689.000 người (chiếm tỷ lệ 97,79%). Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 2,52%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị 2,73%.

Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tiến bộ; nhiều chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư được chú trọng. Việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, bức xúc được tập trung chỉ đạo. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện đạt kết quả tích cực, chất lượng ngày càng được nâng lên; hàng năm, tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 24.000 lao động. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động được tăng cường. Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế của tỉnh có mặt phát triển chưa vững chắc; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và các “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn chậm, nhất là tình trạng chồng lấn quy hoạch sa khoáng titan với quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác. Công tác giảm nghèo chưa bền vững, số hộ tái nghèo, phát sinh nghèo hàng năm còn cao. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Tất cả các yếu tố trên đều tác động đến công tác đưa người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài.

Thời gian tới cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Trong đó có các nhiệm vụ, giải pháp: “Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm điều chỉnh bao quát các đối tượng, loại hình lao động. Cơ chế, chính sách, điều kiện tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Công khai, minh bạch các khoản phí, hướng đến giảm chi phí cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài. Có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động, ưu tiên quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.

Kết nối, hỗ trợ, tạo việc làm cho lao động và môi trường làm việc cho lao động sau khi về nước. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa vai trò của các ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp được nhiều hơn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động ở các nước sở tại. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong việc quản lý hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ này trên địa bàn, từ khâu tư vấn, tuyển chọn lao động, đến việc phối hợp quản lý khi lao động ở nước ngoài và sử dụng lao động sau khi trở về nước...

K.ANH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chinh-sach-tuyen-chon-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-bao-dam-phu-hop-126359.html