Chính sách ưu đãi và nghĩa cử tri ân người có công

Để tri ân, đền đáp công lao to lớn đối với những người có công với cách mạng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần người có công và thân nhân của họ. Đó là đạo lý 'uống nước nhớ nguồn' luôn được các thế hệ tích cực thực hiện bằng nhiều hình thức và nghĩa cử cao đẹp.

 Lãnh đạo tỉnh thăm tặng quà gia đình người có công nhân dịp lễ, tết

Lãnh đạo tỉnh thăm tặng quà gia đình người có công nhân dịp lễ, tết

Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực

Trong những ngày cả nước hướng đến kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng các ban, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể lại sôi động hoạt động ý nghĩa, như: Tổ chức đưa đoàn người có công (NCC) trên địa bàn đi tham quan các di tích lịch sử trong, ngoài tỉnh, dâng hương, viếng nghĩa trang liệt sĩ; đưa đoàn NCC tiêu biểu tham dự hội nghị NCC tiêu biểu toàn quốc... Các địa phương, cơ sở cũng chu đáo tổ chức trao tặng quà, gặp mặt thân mật, thăm hỏi, động viên NCC và thân nhân của họ. Những trường hợp thân nhân NCC đi thắp hương, viếng mộ người thân là liệt sĩ ở ngoại tỉnh đều được hỗ trợ kinh phí đi lại, thăm viếng theo chế độ quy định...

Phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ, chăm sóc thương binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu, con liệt sĩ mồ côi luôn được các địa phương duy trì và thực hiện tốt. Công tác điều dưỡng, chăm sóc, phục hồi sức khỏe đối với NCC và thân nhân NCC luôn được thực hiện kịp thời, chu đáo. Hàng năm, toàn tỉnh có trung bình khoảng 5.700 lượt NCC và thân nhân hưởng chế độ điều dưỡng, chăm sóc phục hồi sức khỏe. Trong đó, có hơn 1.600 lượt điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc NCC tỉnh và ngoại tỉnh. Các đơn vị y tế cũng đã tham gia thăm khám, cấp thuốc tại nhà cho các đối tượng NCC như Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương, bệnh binh nặng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù, đày... Chế độ trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với thương bệnh binh nặng và NCC hàng năm được phê duyệt theo quy định và được giải quyết đúng, đủ, kịp thời.

Hiện nay, ngoài những chương trình, hoạt động ý nghĩa dành để chăm lo, tri ân NCC, phong trào xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn đã đem lại nhiều kết quả nổi bật. Hàng năm, từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần vào công tác chăm sóc, hỗ trợ NCC với cách mạng như: xây dựng và sửa chữa nhà ở; thăm hỏi, hỗ trợ cho NCC ốm đau, từ trần, tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết... Cũng từ nguồn quỹ này đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ, công tác chăm sóc phần mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang hơn. Mỗi năm, các cấp, các ngành trên toàn tỉnh đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền khoảng 8 tỷ đồng, trong đó cấp huyện và cấp xã vận động nguồn quỹ chiếm hơn 80%.

Chăm lo tốt hơn cả về vật chất và tinh thần

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành, đổi mới nhiều chính sách ưu đãi đối với NCC, trong đó phải kể đến Nghị định số 131 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2022.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Nghị định 131 có nhiều điểm mới như quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện, tiêu chuẩn, cơ sở xác định, hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền, trình tự giải quyết, công nhận và thời điểm hưởng chế độ ưu đãi với từng nhóm đối tượng NCC... Nghị định bổ sung về chế độ, chính sách đối với NCC và thân nhân NCC được quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi NCC, như: Chế độ hưởng thêm đồng thời đối với thương binh, bệnh binh, người mất sức lao động; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; chế độ bảo hiểm y tế; ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; hỗ trợ cải thiện nhà ở; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất; ưu tiên giao đất hoặc cho thuê đất, mặt nước, khu vực biển; giao khoán bảo vệ và phát triển rừng; vay vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh; miễn hoặc giảm thuế; nuôi dưỡng tập trung thương binh, bệnh binh... Đặc biệt, chế độ miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất cho NCC được quy định chi tiết hơn so các quy định trước...

Ông Nguyễn Hữu Phước chia sẻ thêm, sau khi Nghị định 131 được ban hành, Sở LĐ-TB&XH đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định đến các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Qua hơn 2 năm thực hiện, đã có 72 NCC được xác nhận, công nhận. Trong đó, có 2 người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; 1 liệt sĩ (đã trình Bộ LĐ-TB&XH); 9 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 22 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 8 người hoạt động kháng chiến, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; 9 NCC giúp đỡ cách mạng; 21 người hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt tù, đày.

Hàng năm, công tác thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng, trợ cấp một lần đối với NCC và thân nhân NCC luôn được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Đến thời điểm tháng 6/2024, toàn tỉnh có 15.315 NCC hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, với tổng kinh phí hơn 31 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, qua thực hiện các Nghị định 131, Nghị định 75 và Nghị định 55 của Chính phủ, trung bình hàng năm, ngành đã tiếp nhận và giải quyết dứt điểm hơn 2.000 hồ sơ xác nhận, giải quyết chế độ đối với NCC và thân nhân NCC. Tính đến nay, có 5.673 NCC và thân nhân NCC đã được giải quyết chế độ theo quy định.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-sach-uu-dai-va-nghia-cu-tri-an-nguoi-co-cong-143433.html