Chính sách ưu việt, nhân văn
Giáo dục là quyền cơ bản, là chìa khóa mở ra cánh cửa thoát nghèo vươn lên, phát triển cá nhân và kiến tạo xã hội tri thức

"Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" - lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là chân lý mà còn là kim chỉ nam xuyên suốt mọi chiến lược phát triển của Việt Nam.
Trong dòng chảy liên tục của các chính sách phát triển con người, Chính phủ vừa trình Quốc hội chính sách miễn học phí cho học sinh công lập và hỗ trợ học phí cho học sinh dân lập, tư thục từ năm học 2025 - 2026. Đây là một bước ngoặt đầy tính nhân văn, tái khẳng định mạnh mẽ tư tưởng "giáo dục là quốc sách hàng đầu" luôn được Đảng và Nhà nước ta kiên định theo đuổi.
Giáo dục là quyền cơ bản, là chìa khóa mở ra cánh cửa thoát nghèo vươn lên, phát triển cá nhân và kiến tạo xã hội tri thức. Việc miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập không chỉ gỡ bỏ gánh nặng tài chính cho hàng triệu gia đình, mà còn thể hiện rõ cam kết "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong tiếp cận giáo dục.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tổng nhu cầu ngân sách để triển khai chính sách này là 30.600 tỉ đồng mỗi năm. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang đối mặt nhiều thách thức kinh tế, việc "thắt lưng buộc bụng" để ưu tiên ngân sách cho giáo dục là một quyết định rất lớn, rất đáng trân trọng. Không chỉ với khối công lập, chính sách còn mở rộng hỗ trợ cả học sinh trường dân lập, tư thục. Điều này phản ánh sự công bằng, nhất quán của Đảng và Nhà nước - coi người học là trung tâm, bất kể họ theo học ở đâu.
Chính sách này là bước cụ thể hóa Kết luận của Bộ Chính trị về miễn học phí cho học sinh phổ thông công lập, đồng thời khẳng định rõ đường lối xuyên suốt của Đảng ta về phát triển con người - nguồn lực quan trọng nhất trong mọi chiến lược phát triển bền vững.
Trong nhiều văn kiện của Đảng, GD-ĐT luôn được đặt vào vị trí then chốt. Việc thể chế hóa chủ trương "phát triển GD-ĐT, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là nhiệm vụ hàng đầu" bằng quyết định chính sách cụ thể như miễn học phí là biểu hiện sinh động của vai trò nhà nước kiến tạo, chăm lo công dân ngay từ giai đoạn đầu đời.
Không khó để hình dung mức độ nỗ lực cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho chính sách hỗ trợ học phí. Số tiền phải bổ sung ngân sách để thực hiện chính sách này - ước tính lên đến 8.200 tỉ đồng mỗi năm - không phải là nhỏ trong một nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 và phải đảm đương nhiều trọng trách an sinh khác.
Vì vậy, chính sách này là kết tinh của sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân; là minh chứng cho tinh thần ưu tiên phát triển giáo dục bằng hành động thực chất. Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư vào giáo dục không đơn thuần là đầu tư vào tri thức mà còn là đầu tư vào năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chính sách miễn học phí cho học sinh phổ thông công lập, hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập là một dấu mốc quan trọng trong hành trình hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng ta về phát triển con người. Đây là chính sách thể hiện rõ tính ưu việt, nhân văn, nhất quán và đầy trách nhiệm, cần được chung tay thực hiện với tinh thần "vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", khởi đầu cho kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chinh-sach-uu-viet-nhan-van-post324502.html