Chính sách visa điện tử mới: Tháo nút thắt, tạo cơ hội hút khách quốc tế
Quốc hội vừa đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; thống nhất nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày… Điều này đã mở ra nhiều cơ hội để hấp dẫn khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, tăng khả năng lưu trú và chi tiêu của du khách.
“Cơ hội vàng” tăng nguồn thu từ khách quốc tế
Ngày 24-6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2023. Theo đó, Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn visa điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Khách quốc tế sẽ có cơ hội lưu trú dài ngày tại Việt Nam (ảnh minh họa)
Quy định mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Ngay khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, những người làm du lịch đã bày tỏ niềm vui cũng như đánh giá những thời cơ mới cho du lịch Việt Nam. Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính cho rằng, đây là điều mà ngành Du lịch đã kiến nghị trước đó.
“Chính sách visa điện tử được kéo dài từ 30 ngày lên 90 ngày cùng với thời hạn tạm trú tại cửa khẩu được nâng từ 15 đến 45 ngày là điều kiện tốt để khách quốc tế du lịch Việt Nam nhiều hơn và lâu hơn. Đây là cơ hội tốt để tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, từ đó tăng nguồn thu từ khách du lịch”, ông Hoàng Nhân Chính cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp du lịch thường xuyên đón khách quốc tế, Chủ tịch LuxGroup Phạm Hà bày tỏ, việc thay đổi chính sách visa đã được các doanh nghiệp đợi chờ từ lâu, cơ hội để doanh nghiệp xây dựng sản phẩm mới hấp dẫn, tập trung khai thác thị trường chi tiêu cao giúp du lịch Việt Nam thay đổi cả về lượng và chất.
Cần các chiến lược dài hơi, bền vững
Chính sách visa mới có hiệu lực từ ngày 15-8 đang được xem là cánh cửa mở rộng để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn. Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, chính sách visa được thay đổi phù hợp với tình hình thực tế là rất cần thiết nhưng đây mới chỉ là một “nút thắt” được tháo gỡ trong số nhiều “nút thắt” còn đang vướng mắc để phát triển du lịch bền vững.
Cần xây dựng nhiều sản phẩm mới độc đáo, có tính trải nghiệm cao để thu hút khách lưu trú lâu dài (Ảnh: Du khách trải nghiệm du thuyền trên vịnh Hạ Long).
Theo ông Phạm Hà, hiện du lịch Việt Nam còn nhiều khó khăn như vấn đề nguồn nhân lực, định vị thương hiệu, xây dựng sản phẩm, quản lý điểm đến, xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, việc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch chưa đồng bộ...
“Để đáp ứng được nhu cầu của du khách khi lưu trú dài ngày, cần xây dựng được những sản phẩm mới có tính trải nghiệm cao, thời gian lưu trú lâu hơn, trong đó chú trọng những sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch biển đảo, du thuyền hạng sang”, ông Phạm Hà gợi ý.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết, đơn vị đã lên kế hoạch xây dựng các gói tour dài ngày cho du khách. "Khách ở thị trường xa như châu Âu, Australia, Mỹ, trước đây thời gian tour khoảng 9 - 10 ngày, nhưng bây giờ kéo dài lên đến gần 20 ngày", ông Lê Hồng Thái cho hay.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, để níu chân du khách ở lại lâu, gia tăng nguồn thu, du lịch Việt Nam cần các bước phát triển bền vững, hiệu quả như nâng cấp chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Ngoài ra, để có những sản phẩm du lịch mới chất lượng, còn cần đến sự liên kết mạnh mẽ hơn của các địa phương, doanh nghiệp du lịch.
Đề xuất các giải pháp để việc đón khách quốc tế hiệu quả, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính gợi ý, ngay từ lúc này, các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cùng các địa phương, doanh nghiệp trong nước cần có chiến lược truyền thông quảng bá, thông báo với các đối tác về chính sách visa mới, từ đó có kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của khách.
Tổng cục Du lịch cho biết, sẽ có trách nhiệm truyền thông về chính sách visa mới đến các doanh nghiệp du lịch để nhanh chóng có kế hoạch thu hút khách quốc tế hiệu quả.