Chính sách với viên chức bị ảnh hưởng bởi tinh gọn bộ máy: Đủ nguồn lực chi trả bảo hiểm thất nghiệp
Theo Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đủ để chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho viên chức phải nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng chưa đủ điều kiện nghỉ hưu.
Đợt sắp xếp lại bộ máy với quy mô lớn nhất
Theo tổng hợp ý kiến cử tri, nhân dân trong tháng 12-2024 do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện, cử tri, nhân dân đồng tình cao với việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Cử tri và nhân dân mong đợi sớm có được một hệ thống tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu năng, hiệu quả để tạo tiền đề cho đất nước phát triển bứt phá.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị. Với tinh thần “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy đang được thực hiện quyết liệt ở cấp Trung ương.
Ngày 8-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đã cơ bản hoàn thành phương án hợp nhất, sáp nhập các bộ, cơ quan và phương án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương và Chính phủ đã đề ra để trình cấp có thẩm quyền.
Có thể nói, đợt sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy tổ chức hệ thống chính trị lần này là đợt sắp xếp lại bộ máy với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, đợt sắp xếp này có thể ảnh hưởng tới khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức.
Chính phủ vừa ban hành 3 Nghị định (số 177, 178 và 179) năm 2024 về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng. Tuy nhiên, do số lượng người bị ảnh hưởng lên tới cả trăm nghìn người nên nguồn lực dành cho việc thực hiện chế độ, chính sách dự kiến cũng sẽ rất lớn.
Đó không chỉ là nguồn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ với công chức phải nghỉ việc do thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy mà còn là nguồn từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện chính sách hỗ trợ tìm kiếm việc làm với những viên chức, người lao động phải nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhưng chưa đủ điều kiện nghỉ hưu.
Băn khoăn của cử tri, nhân dân về việc cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để chi trả cho người phải nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy đã được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu ra với đại diện cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tại Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đủ nhân lực, nguồn lực chi trả chính sách
Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, trong số khoảng 100.000 người bị ảnh hưởng bởi đợt sắp xếp lại tổ chức bộ máy lần này có cả công chức và viên chức. Những người là viên chức khi tinh giản biên chế mà chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì sẽ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề.
Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp những năm gần đây có số thu và số chi cơ bản tiệm cận với nhau. Ví dụ, năm 2023 thu Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 23.000 tỷ đồng, thì chi hết 22.995 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay là khoảng 63.000 tỷ đồng nên chắc chắn yên tâm về nguồn chi để giải quyết chế độ cho đội ngũ viên chức phải nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhưng chưa đủ điều kiện nghỉ hưu.
Cũng liên quan tới vấn đề này, có ý kiến băn khoăn về việc chính cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng thuộc diện sắp xếp lại bộ máy lần này. Theo đề án đang trình cấp có thẩm quyền thì Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng được tổ chức lại thành đơn vị sự nghiệp, giảm 7 đơn vị ở Trung ương và bảo hiểm xã hội cấp tỉnh sẽ giảm 126/513 phòng, 640 cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện sẽ giảm xuống còn 350 đơn vị bảo hiểm xã hội khu vực liên huyện.
Trong bối cảnh khối lượng công việc của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam dự kiến sẽ lớn hơn bình thường rất nhiều do số lượng người hưởng chính sách bảo hiểm xã hội nói chung, bảo hiểm thất nghiệp nói riêng sẽ tăng mạnh khi thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, lực lượng phục vụ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam lại thu gọn như vậy thì có bảo đảm thực hiện nhiệm vụ hay không?
Trao đổi về vấn đề này, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn nêu thống kê, năm 2023 có 1.049.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chi trả tới 99,3% qua tài khoản cá nhân. Việc giải quyết, chi trả chế độ thực tế cũng không liên quan tới địa giới hành chính. Do vậy, ông Lê Hùng Sơn khẳng định, nếu thực hiện mô hình Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mới theo dự kiến thì cũng không ảnh hưởng đến việc chi trả cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo quy định hiện hành, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động theo hợp đồng. Công chức nhà nước làm việc trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước không thuộc diện làm việc theo hợp đồng. Do vậy, công chức không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm thất nghiệp và không được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chi trả từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Các chế độ, chính sách cho công chức nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức bộ máy sẽ được thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước.