Chính sách vượt trội để khai thác nhiều nguồn lực

Ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội để có thêm các cơ chế, chính sách mới, vượt trội để Hà Nội từng bước khai thác được nhiều nguồn lực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đúng với tầm của Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Ông Trương Minh Tiến - Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội Ảnh: N.M

Ông Trương Minh Tiến - Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội Ảnh: N.M

Nhiều chương trình về phát triển văn hóa đã ban hành

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Trương Minh Tiến - nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội để cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội có thêm các cơ chế, chính sách mới, thậm chí là cơ chế, chính sách vượt trội, để Hà Nội từng bước khai thác được nhiều nguồn lực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đúng với tầm của Thủ đô.

Ông Trương Minh Tiến cho biết thêm, ngay sau Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành 10 Chương trình công tác, trong đó có Chương trình số 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025. Trong thời gian qua, 10 Chương trình công tác đã được triển khai đồng bộ và đặc biệt là Chương trình 06 đã có chuyển biến tích cực và tác động hai chiều trong lĩnh vực văn hóa.

Cùng với đó, TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách như Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Kế hoạch 217/KH-UBND để thực hiện Chương trình 06-KH/TU. Đồng thời, HĐND TP đã thông qua và ban hành Nghị quyết 02/NQ-HĐND về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn Quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo, một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp TP. Trong đó, cấp vốn cho trên 50 dự án cấp TP để quy hoạch, thu hồi di tích và hỗ trợ tu bổ hơn 400 di tích ở các quận, huyện, thị xã.

Theo ông Trương Minh Tiến, sau khi kiểm kê, TP Hà Nội thống kê được 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Đây là bộ phận rất quan trọng của toàn bộ di sản văn hóa của Thủ đô, không chỉ mang lại giá trị của Thủ đô mà còn cả dân tộc, đất nước.

Trong những năm qua, kể từ khi triển khai Nghị quyết Đảng bộ TP lần thứ XVII đến nay, TP có nhiều chính sách quan tâm bảo tồn di sản văn hóa. Ngành văn hóa đã triển khai tham mưu nhiều cơ chế chính sách, ngành công thương được triển khai hoạt động khuyến công, tôn vinh làng nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam đang truyền dạy hơn ca trù cho học trò Ảnh: N.M

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam đang truyền dạy hơn ca trù cho học trò Ảnh: N.M

Quan tâm đến các lớp nghệ nhân

Ông Trương Minh Tiến chia sẻ, năm 2019, Chính phủ có chế độ đãi ngộ với nghệ nhân khó khăn. Mặc dù Hà Nội không có nghệ nhân nào khó khăn nhưng chúng ta có 131 nghệ nhân được Chủ tịch nước trao tặng là Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Các cụ ví như báu vật, nhân vật sống của đất nước nên cần chăm sóc, quan tâm các đối tượng này.

Năm 2022, Sở VH&TT Hà Nội tham mưu cho UBND, HĐND ra Nghị quyết số 23 về chế độ đãi ngộ với các trình diễn văn hóa phi vật thể, CLB dân gian. Mức hỗ trợ ban đầu cho CLB dân gian là 50 triệu đồng, Nghệ nhân Nhân dân được 40 triệu đồng, Nghệ nhân ưu tú được 30 triệu đồng. Thù lao trình diễn mỗi buổi của Nghệ nhân Nhân dân là 500 nghìn đồng, ưu tú là 300 nghìn đồng,... những người truyền dạy được chế độ nhất định. Đấy là những bước rất quan trọng trong quá trình gìn giữ, chăm lo đối tượng nghệ nhân này.

Ông Trương Minh Tiến đề xuất, ngoài chế độ chính sách đã có, để bảo tồn tốt hơn cho di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội cần có chính sách vượt trội, mở thêm chính sách đối với nghệ nhân. Ví dụ như với nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng thì giữ chế độ này cũng được nhưng cần hỗ trợ bảo hiểm y tế để chăm lo sức khỏe, hàng tháng nên có phụ cấp cho các cụ, bởi có cụ không truyền dạy, biểu diễn được nữa, có thể hàng tháng hỗ trợ các cụ 1 - 2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, số lượng đội ngũ hoạt động, trình diễn nghệ thuật dân gian chưa được phong tặng danh hiệu cũng rất lớn. Do vậy, cùng với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, cơ quan tham mưu là Sở VH&TT nên suy nghĩ thêm về việc chăm lo cho đối tượng trình diễn nghệ thuật dân gian ở cơ sở, sẽ giúp gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể.

"Tôi tin rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội cho Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện. Và các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội sẽ có những cơ chế chính sách vượt trội để các cấp, các ngành triển khai công tác tốt hơn nữa và từ đó có tác động 2 chiều đến phát triển văn hóa của Thủ đô.

Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách sẽ có tác động trực tiếp đến xây dựng văn hóa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Tôi mong muốn cùng với cơ chế chính sách đã có, đang được triển khai, sẽ tiếp tục bảo đảm tính chặt chẽ nhưng cũng thông thoáng và dễ thực hiện"- ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chinh-sach-vuot-troi-de-khai-thac-nhieu-nguon-luc-381156.html