Chính sách xoay chuyển kịp thời, tăng trưởng dần đảo chiều

Việc ban hành và triển khai kịp thời các chính sách trong phòng chống dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.

Nhìn lại năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Trước tình hình đó, Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ đưa ra những thay đổi linh hoạt về thể chế, chính sách để thích ứng với tình hình mới.

VietNamNet phỏng vấn ĐBQH tỉnh Nghệ An Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV về vấn đề này.

Kỷ lục trong công tác xây dựng pháp luật

Trong năm qua, Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Ông có thể khái quát lại một số dấu ấn trong việc xoay chuyển thể chế, chính sách thích ứng với đại dịch Covid-19?

Có thể nhận thấy trong năm qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các ĐBQH cùng với Chính phủ xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế - xã hội.

Trước hết, đó là sự kịp thời trong việc ban hành các chủ trương, chính sách. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cần đi trước một bước, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát trong năm 2020, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn trong đại dịch, chẳng hạn như việc sửa đổi biểu thuế bảo vệ môi trường; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020…

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu. Ảnh: Ngọc Thắng

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu. Ảnh: Ngọc Thắng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng kịp thời cho ý kiến về một số văn bản của Chính phủ liên quan đến các biện pháp phòng, chống dịch, ví dụ như chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cấp bách, triển khai ngay trong năm 2020, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế…

Riêng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, mặc dù trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, nhưng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất nhanh chóng bắt nhịp, cùng với Chính phủ ban hành rất nhiều văn bản về công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Tính đến nay, đã có 2 nghị quyết của Quốc hội, 6 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung này.

Đặc biệt, tại kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2022, Quốc hội đã nhất trí ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Chính sách này được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, tập trung cho các lĩnh vực: Y tế, phòng, chống dịch Covid-19; an sinh xã hội, lao động và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai.

Để triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% năm 2022, Quốc hội xem xét, quyết định cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp, ủy quyền… đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng.

Công tác hoàn thiện thể chế phòng, chống dịch bệnh có nội dung rất bao quát, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó phải kể đến Nghị quyết 268 ngày 6/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Có những văn bản quy định về biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp như Nghị quyết 406 ngày 19/10/2021; có văn bản quy định về những giải pháp kinh tế, tài chính để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập Tổ Công tác liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19 để tham mưu cho các lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề liên quan.

Trong đó, điển hình nhất là việc tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30 với rất nhiều giải pháp đột phá trong việc phòng, chống dịch bệnh. Việc ban hành Nghị quyết này xuất phát từ sáng kiến từ phía Quốc hội, được lãnh đạo Quốc hội chỉ đạo sát sao, quyết liệt và được ban hành chỉ sau 2 ngày soạn thảo, được xem là một trong những kỷ lục trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Hơn 100 văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của Thủ tướng

Sau khi Quốc hội thông qua, các chính sách này được Chính phủ, các cấp các ngành phủ triển khai như thế nào và cử tri tiếp nhận, phản hồi trên thực tế ra sao, thưa ông?

Với việc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, những chủ trương, chính sách do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã có những tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống hàng ngày của người dân.

Chính vì vậy, các chủ trương, chính sách do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn được cử tri và Nhân dân mong đợi.

Về phía Chính phủ, đã cụ thể hóa thành các giải pháp cụ thể để triển khai trên thực tế. Theo thống kê sơ bộ, trong thời gian từ khi Nghị quyết số 30 có hiệu lực đến nay, Chính phủ đã ban hành trên 10 nghị quyết để quy định những giải pháp, biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 100 văn bản để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV cho thấy cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó cử tri và nhân dân rất đồng tình, ủng hộ việc Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về công tác phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Đặc biệt, là Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ về các quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược, định hướng cho toàn bộ công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có nhiều nỗ lực trong việc chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình, kịp thời ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn để người dân và doanh nghiệp thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Một bước tiến mạnh mẽ

Ông thấy hiệu quả của các chính sách đối với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch như thế nào?

Tác động của thể chế đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế thường có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Kinh tế vào ngày 5/12/2021 vừa qua, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng đã có những đánh giá bước đầu.

Theo đó, có thể nhận thấy về tổng thể, kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đang từng bước phục hồi, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi sinh hoạt xã hội dần được nối lại theo hướng bình thường mới, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc.

Doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 1/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 4/2021

Doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 1/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 4/2021

Đặc biệt, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa được công bố thì tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 4 là 5,22%, là một bước tiến mạnh mẽ so với mức giảm 6,02% trong quý 3, là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, các kết quả khảo sát cũng đã cho thấy việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, ban hành và triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.

Chẳng hạn, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 1/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 4/2021.

Do dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ nên quá trình tổ chức thi hành các chính sách, pháp luật có thời điểm còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn, thiếu đồng bộ. Đến nay, với các chính sách được điều chỉnh và ban hành mới, ông đánh giá như thế nào về sự chuyển biến trong điều hành của Chính phủ để thích ứng với đại dịch?

Đúng là đã có những thời điểm, việc phòng, chống dịch của chúng ta còn gặp nhiều lúng túng, thiếu thống nhất, đồng bộ, trong đó có việc tổ chức thi hành các chính sách, pháp luật.

Tuy nhiên, với tinh thần chung là tất cả vì cuộc sống, sức khỏe, tính mạng của người dân, chúng ta đã có những điều chỉnh phù hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, quan điểm cơ bản là bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.

Các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội.

Đây là kết quả đúc kết từ thực tế phòng, chống dịch bệnh trong gần 2 năm vừa qua cũng như dựa trên những nghiên cứu từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Thực tế triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua cũng đã cho thấy tính đúng đắn, phù hợp của sự điều chỉnh này. Việc kiểm soát, phòng chống dịch ngày càng đi vào bài bản, nền nếp, đạt kết quả tốt hơn trước, qua đó cho thấy nhiều bài học quý báu trong việc điều hành, quản trị quốc gia.

Để sẵn sàng cho việc phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch, việc nhìn lại những bài học kinh nghiệm trong thời gian vừa qua là hết sức cần thiết. Trong đó cần tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế một cách khoa học, có tính phù hợp, có khả năng áp dụng lâu dài nhằm tạo khuôn khổ thể chế sẵn sàng cho việc ứng phó với những dịch bệnh hoặc tình huống khẩn cấp có thể diễn ra trong tương lai…

Thu Hằng thực hiện

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chinh-sach-xoay-chuyen-kip-thoi-tang-truong-dan-dao-chieu-805763.html