Chính thức bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức hành chính
Nhiều chính sách, quy định mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8. Trong đó, không còn yêu cầu chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ và tin học đối với công chức hành chính, văn thư.
Bỏ yêu cầu chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ và tin học
Thông tư số 02/2021 của Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, có hiệu lực từ hôm nay (1/8).
Tất cả các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và văn thư không còn yêu cầu chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ và tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.
Thay vào đó, chỉ còn yêu cầu có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ phù hợp, tùy theo yêu cầu trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng ngạch.
Việc thay đổi này nhằm tiết kiệm chi phí cho xã hội, ước tính giúp đội ngũ công chức giảm được 1.000 tỷ đồng từ việc đi học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Điều chỉnh nâng bậc lương
Từ ngày 15/8, Thông tư 03/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ về điều chỉnh vấn đề nâng bậc lương của cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực.
Thời gian cán bộ, công chức, viên chức tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên.
Ngược lại, bổ sung thêm một số trường hợp không tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm thời gian đào ngũ; thời gian thử thách khi hưởng án treo; thời gian nghỉ công tác chờ tuổi nghỉ hưu.
Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức cũng được thay đổi. Theo đó, cán bộ, công chức được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên mới được nâng bậc lương thường xuyên.
Trước đây là mức đánh giá “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực” cũng thuộc diện được nâng bậc lương.
3 trường hợp bị dừng nhận trợ cấp xã hội
Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 02/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Sẽ siết chặt hơn hoạt động nhận trợ cấp xã hội của các đối tượng bảo trợ xã hội. 3 trường hợp bị dừng nhận trợ cấp xã hội, gồm:
Không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 3 tháng trở lên.
Không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý.
Người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bị tạm giam từ 1 tháng trở lên.
Trước đây, Thông tư liên tịch 29/2014 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính chỉ quy định tạm dừng chi trả trợ cấp với trường hợp đối tượng không nhận tiền trợ cấp do chết, mất tích hoặc chuyển khỏi địa bàn.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 8/8, nhưng các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 1/7.
Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân
Từ ngày 1/8, Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 1/8.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho 1 người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.