Chính thức khởi công nhà ga sân bay Long Thành

Chiều 31/8, tại Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công 3 gói thầu của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút khởi công các gói thầu của 2 sân bay. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút khởi công các gói thầu của 2 sân bay. Ảnh: VGP

Lễ khởi công do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), UBND TP HCM, UBND tỉnh Đồng Nai và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp tổ chức, kết nối trực tuyến giữa 2 địa điểm: Long Thành, tỉnh Đồng Nai và Tân Sơn Nhất, TP HCM.

3 gói thầu được khởi công gồm: Gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1;

Gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1;

Và gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất là 2 dự án đặc biệt lớn, có vai trò quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia; thuộc công trình quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, mở ra không gian phát triển mới với "hệ sinh thái kinh tế hàng không", tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Lễ khởi công các hạng mục của 2 dự án cảng hàng không là sự kiện quan trọng, là dấu ấn trong sự nghiệp phát triển ngành hàng không, là "món quà" ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Đây cũng là kết quả minh chứng cụ thể, rõ nét nhất cho sự nỗ lực hết mình của chủ đầu tư, sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: VGP

Là các dự án rất lớn, kỹ thuật phức tạp, Thủ tướng nhận định lễ khởi công 3 gói thầu chỉ mới là bước đầu, nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề. Ông yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ban, ngành Trung ương, UBND TP HCM, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, thúc đẩy tiến độ công trình, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả của dự án như đã được thẩm định và phê duyệt.

Chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện dự án bảo đảm chất lượng, an toàn, phấn đấu vượt tiến độ, sớm hoàn thành dự án, không đội vốn bất hợp lý, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

ACV phối hợp với UBND TP HCM, UBND tỉnh Đồng Nai, các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; quan tâm tới đời sống cán bộ, công nhân, người lao động tham gia xây dựng các dự án.

Các nhà thầu thi công trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xây dựng, huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ; nghiêm cấm việc sử dụng nguyên vật liệu không đủ tiêu chuẩn, chất lượng, hoặc thi công không đủ nguyên vật liệu theo yêu cầu…

Chủ đầu tư, tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm nếu các nhà thầu thi công có sai phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Các nhà thầu thi công, giám sát đã nói phải làm, đã cam kết rồi thì phải thực hiện, làm phải có hiệu quả lượng hóa được bằng sản phẩm cụ thể, đúng chất lượng, đúng quy định, đúng tiến độ, không lãng phí, tiêu cực; quá trình thi công phải khoa học, an toàn.

Thủ tướng đề nghị bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng, tác động của dự án tiếp tục đồng hành, vì lợi ích quốc gia; ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để dự án hoàn thành thuận lợi, đúng kế hoạch.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ, các ban chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan sẽ hết sức ủng hộ, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc để chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thành 2 dự án có ý nghĩa rất quan trọng này.

Thủ tướng nhấn mạnh 6 yêu cầu các chủ thể tham gia triển khai dự án phải nghiêm túc thực hiện:

Thứ nhất, bảo đảm tiến độ và phấn đấu vượt tiến độ; thứ hai, nâng cao chất lượng; thứ ba, không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu;

Thứ tư, bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường; thứ năm, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; thứ sáu, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm thuộc nhóm 16 sân bay được mong đợi nhất thế giới, là dự án quan trọng quốc gia.

Giai đoạn 1 dự án đầu tư với quy mô 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm. Đây không chỉ là sân bay lớn nhất Việt Nam, mà hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực, được kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế.

Trong đó, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách Long Thành có giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.

Phối cảnh nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phối cảnh nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đơn vị thực hiện là Liên danh Vietur, gồm 10 thành viên, trong đó có một số nhà thầu trong nước như: Ricons, Newtecons, Sol E&C, Vinaconex, CC1, với đơn vị đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas của Thổ Nhĩ Kỳ.

Gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay sân bay Long Thành giai đoạn 1 có giá trị hơn 7.300 tỷ đồng, với thời gian thi công khoảng 23 tháng là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của công trình.

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất gồm 3 hạng mục chính là nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga, với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng.

Phối cảnh nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Phối cảnh nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong đó, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga T3 là hạng mục quan trọng nhất, có tổng mức đầu tư gần 9.300 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 20 tháng và sẽ hoàn thành đưa vào vận hành thử vào đầu quý 2/2025.

Sau khi hoàn thành, nhà ga hành khách T3 là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại máy bay bay (code C và code E).

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chinh-thuc-khoi-cong-nha-ga-san-bay-long-thanh-post26370.html