Chỉnh trang đường 'Thiên lý Bắc-Nam' qua Hoành Sơn quan (Quảng Bình)

Sau khi phát lộ dấu tích lối mòn nối từ Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh lên Cổng trời Hoành Sơn quan, tại xã Quảng Đông, cơ quan chức năng huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình tiến hành chỉnh trang, từng bước khôi phục hiện trạng đường 'Thiên lý Bắc-Nam'.

Trước đó, người dân ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình phát hiện một lối mòn được xếp bằng các bậc đá, xen kẽ lên nhau, vừa dấu chân đi, nối từ đền Thánh mẫu Liễu Hạnh lên di tích Hoành Sơn quan. Tuyến độc đạo này dài hơn 1km, có 1.000 bậc đá cổ ở phía nam Hoành Sơn quan, là dấu tích của con đường “Thiên lý Bắc Nam” xưa.

Chính quyền địa phương đã tổ chức khảo sát, lên kế hoạch khôi phục để gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử văn hóa ở địa phương. Tại thời điểm phát lộ, con đường đá này đã bị phủ lấp bởi cỏ cây suốt một thời gian dài, được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, cách ngày nay khoảng 200 năm.

Nhiều bậc thang đá cổ được phát lộ

Nhiều bậc thang đá cổ được phát lộ

Di tích Hoành Sơn Quan tọa lạc trên đỉnh Đèo Ngang trực thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình

Di tích Hoành Sơn Quan tọa lạc trên đỉnh Đèo Ngang trực thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình

Điểm khởi đầu của con đường đá cổ nằm tại bia Hạ Mã, trước cổng đền Thánh mẫu Liễu Hạnh ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Đường đá cổ này men theo triền núi, xuyên qua khu rừng rậm rạp, dẫn lên đỉnh đèo Ngang, nơi tọa lạc Hoành Sơn quan. “Cổng trời” Hoành Sơn quan là một điểm quan trọng trấn giữ con đường “thiên lý Bắc Nam” cao hơn 4m. Cửa được xây trên núi, xung quanh được xây dựng bằng đá. Phía trước có mở một cửa, bên tả bên hữu có tường ngăn, có trại lính.

Con đường “thiên lý Bắc Nam” cũng được xây dựng giữa 2 mái núi Hà Tĩnh và Quảng Bình, mỗi bên mái núi có 1.000 bậc thang đá để khách bộ hành qua lại. Tuyến đường có một số đoạn còn nguyên hiện trạng với các bậc đá cùng các ngôi mộ bằng đá, là lối đi được người xưa sử dụng để vượt Đèo Ngang trên hành trình “thiên lý Bắc-Nam”. Sau này, khi tuyến đường vượt đèo Ngang được xây dựng vào thời Pháp thuộc, con đường đá cổ này ít người qua lại, theo thời gian bị vùi lấp bởi cây cỏ dại.

Đường men theo triền núi, xuyên qua khu rừng rậm rạp, dẫn lên đỉnh đèo Ngang nay đã được phát quang

Đường men theo triền núi, xuyên qua khu rừng rậm rạp, dẫn lên đỉnh đèo Ngang nay đã được phát quang

Những bậc đá cổ là lối đi của tiền nhân trên thiên lý Bắc Nam qua dãy Hoành Sơn

Những bậc đá cổ là lối đi của tiền nhân trên thiên lý Bắc Nam qua dãy Hoành Sơn

Tháng 9/2024, UBND huyện Quảng Trạch và Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình đã có các tờ trình và công văn về việc xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh và điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất một số khu vực thuộc Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu tái định cư Khu Kinh tế Hòn La. UBND tỉnh Quảng Bình thống nhất với các nội dung mà huyện đề xuất, đề nghị huyện Quảng Trạch căn cứ nội dung để triển khai các bước theo đúng quy định của pháp luật. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện Quảng Trạch tiến hành kêu gọi đầu tư, hoàn chỉnh công trình, nâng cao giá trị tổng thể của khu di tích Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh và đường “thiên lý Bắc- Nam”.

Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh nằm dưới chân dãy Hoành Sơn

Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh nằm dưới chân dãy Hoành Sơn

Ông Nguyễn Chí Thắng, Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, việc khôi phục hiện trạng con đường “thiên lý Bắc Nam” nối từ Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh lên Hoành Sơn quan với những bậc đá cổ nguyên trạng sẽ giúp du khách có những trải nghiệm ấn tượng trong hành trình du lịch văn hóa, tâm linh ở khu vực bắc Quảng Bình.

“Huyện Quảng Trạch đã xã hội hóa để phát quang khu vực từ phía Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh đến Hoành Sơn quan, lộ thiên ra đường thiên lý. Huyện đã có động thái sửa chữa và phát quang và nhờ doanh nghiệp đổ thêm đất đai để tạo lối đi nhưng không xâm phạm vào di tích. Trong thời gian qua, huyện có làm văn bản cùng với Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Quảng Bình xin điều chỉnh quy hoạch và tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo làm quy hoạch chung đối với khu vực đó để bảo tồn Hoành Sơn quan vì đây là điểm cực Bắc, cổng vào tỉnh Quảng Bình trong thời kỳ trước đây”, ông Nguyễn Chí Thắng thông tin.

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chinh-trang-duong-thien-ly-bac-nam-qua-hoanh-son-quan-quang-binh-post1129563.vov