Chỉnh trang trục đường trung tâm TPHCM: Nhiều kế hoạch, dự án còn nằm… trên giấy

Đi dọc đường Lê Lợi, trục đường trung tâm của TPHCM, rất dễ bắt gặp hình ảnh khách du lịch dùng áo khoác, khăn, áo 'trùm' đầu bước vội trên vỉa hè.

Sau khi hoàn trả toàn bộ mặt bằng rào chắn thi công đoạn ngầm phục vụ tuyến Metro số 1 trên trục đường Lê Lợi (quận 1), đến nay đã gần một năm trôi qua, diện mạo mới của tuyến đường này chỉ dừng lại ở việc thảm nhựa và kẻ vạch sơn phân làn đường cho người đi bộ và phương tiện lưu thông. Trong khi đó, vỉa hè hai bên đường cũng chắp vá tạm…

Chờ cải tạo cảnh quan

Đi dọc đường Lê Lợi, trục đường trung tâm của TPHCM, rất dễ bắt gặp hình ảnh khách du lịch dùng áo khoác, khăn, áo “trùm” đầu bước vội trên vỉa hè. Tại các cửa hàng hai bên đường, khách cũng thưa thớt, trái ngược với cảnh xe cộ tấp nập dưới lòng đường.

Anh Trần Thanh Tài, chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm cho biết, toàn bộ lòng đường và vỉa hè được tái lập, người dân, hộ kinh doanh buôn bán ai cũng phấn khởi. Nhưng những ngày trời nắng gắt, khoảng từ 10 giờ đến 16 giờ, du khách phải “trốn” nóng trong các nhà hàng, quán cà phê xung quanh chứ ngại ra đường, nên buôn bán vắng khách. “Bà con mong muốn các ban ngành sớm thiết kế, tạo cảnh quan, trồng thêm nhiều cây xanh cho khu vực đẹp hơn, mát hơn”, anh Tài nói.

Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Duy An cho biết, so với trước đây, trục đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi hiện tại khang trang hơn, kết nối tốt về mặt giao thông; các hoạt động thương mại, dịch vụ trên tuyến đang dần khôi phục. UBND quận 1 cũng đã báo cáo UBND TPHCM kế hoạch cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành và cải tạo chỉnh trang chợ Bến Thành.

Theo đó, khu vực trước chợ Bến Thành sẽ được cải tạo thành một không gian quảng trường mới, trở thành đầu mối giao thông công cộng (nhà ga trung tâm), kết nối các loại hình giao thông, các hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ đáp ứng các hoạt động công cộng của khu vực trung tâm và là đầu mối giao thông.

Diện tích cải tạo khu vực này khoảng 45.835m², bao gồm nền quảng trường và các đường giao thông, vỉa hè, công trình gắn với quảng trường.

Cụ thể, vùng 1 bao gồm xung quanh chợ Bến Thành với diện tích khoảng 23.320m²; vùng 2 là tiểu đảo trước tòa nhà Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn rộng khoảng 2.475m²; vùng 3 gồm tiểu đảo phía trước cao ốc The One với diện tích khoảng 8.210m²; vùng 4 gồm mũi tàu công viên 23-9 với diện tích khoảng 11.830m². Các khu vực sẽ được lát nền bằng đá Granite tự nhiên, bố trí cây xanh, thảm cỏ (có hệ thống tưới tự động), hệ thống đèn chiếu sáng và các trang thiết bị tiện ích công cộng khác (ghế ngồi, biển chỉ dẫn, máy uống nước tự động, wifi, camera, thùng rác, nhà vệ sinh…).

Về tiến độ, theo UBND quận 1, thời gian cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành mất khoảng 19 tháng, chia các giai đoạn: từ nay đến tháng 9-2024 sẽ lập thủ tục đầu tư; sau đó là giai đoạn thi công từ tháng 10-2024 đến tháng 4-2025.

Liên quan việc chỉnh trang dọc trục đường Lê Lợi, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho biết, tháng 3-2023, sở đã đề xuất UBND TPHCM chi 20-30 tỷ đồng lắp đặt mái che dọc vỉa hè nhằm tạo bóng mát, che mưa, hình thành không gian đi bộ; trồng cây xanh cũng nằm trong kế hoạch này.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, đại lộ Lê Lợi là một trong những tuyến phố thương mại, dịch vụ sầm uất bậc nhất trung tâm TPHCM. Đây cũng là một trong 22 tuyến phố đi bộ được thành phố dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới. Toàn bộ dự án này sẽ được thành phố thông qua mới triển khai, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trước 30-4-2025.

 Khách du lịch bước vội để trốn nắng trên đường Lê Lợi chiều 5-12-2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Khách du lịch bước vội để trốn nắng trên đường Lê Lợi chiều 5-12-2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thiếu chỗ gửi xe

Không chỉ tuyến đường Lê Lợi chậm triển khai các hạng mục theo quy hoạch mà ngay cả công viên Bến Bạch Đằng (quận 1), người dân muốn đến dạo chơi cũng rất khó tìm chỗ gửi xe.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, TPHCM đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 quảng trường trung tâm và công viên bờ sông tại khu đô thị Thủ Thiêm từ tháng 10-2012; diện tích quy hoạch 27ha, quy mô phục vụ tối đa 430.000 người trong các dịp lễ, hội... Cùng với quảng trường, công viên bờ sông là công trình công cộng trải dọc theo bờ sông Sài Gòn tại khu lõi trung tâm Thủ Thiêm với quy mô 9,05ha, dài 2km. Điểm nhấn của công trình này là cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn kết nối quảng trường trung tâm và quận 1 tại công trường Mê Linh.

Tuy nhiên, các không gian công cộng vẫn còn thiếu và hạn chế, tiện ích chưa đáp ứng người dân. Về việc xây dựng bãi đậu xe thông minh, Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố cho biết, quy hoạch này nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải, phân bố đều các quận huyện. Kế hoạch xây bãi đậu xe cũng được đề cập trong các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu của thành phố.

Trước đó, Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng lập phương án thí điểm bãi đậu xe cao tầng lắp ghép trên đường Lê Lai (quận 1). Tuy nhiên, để thực hiện được mô hình này đòi hỏi nhiều chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia. Trung bình, mức đầu tư mỗi dự án bãi đậu xe thông minh lên tới vài chục tỷ đồng nhưng số tiền thu về lại “khiêm tốn”, khó thu hồi vốn. Đó chính là lý do nhà đầu tư ngại tham gia!

QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chinh-trang-truc-duong-trung-tam-tphcm-nhieu-ke-hoach-du-an-con-nam-tren-giay-post717094.html