Chính trị quốc tế sẽ như thế nào trong năm 2025?

Liệu những nhân tố mới như sự trở lại của Donald Trump, vấn đề chính trị của nước Đức hay câu chuyện của nước Anh… có mang lại những chuyển biến tích cực hơn trong năm 2025 hay làm cho tình hình quốc tế trở nên phức tạp và xáo động hơn?

Năm 2024 khép lại, chính trị quốc tế vẫn ngổn ngang với các cuộc xung đột leo thang và khủng hoảng chính trị ở cả ba cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia, đã và còn tác động đến nhiều quốc gia và khu vực với các mức độ ảnh hưởng khác nhau đang góp phần hình thành các trục, khối mới trong quan hệ quốc tế. Liệu những nhân tố mới như sự trở lại của Donald Trump, vấn đề chính trị của nước Đức hay câu chuyện của nước Anh… có mang lại những chuyển biến tích cực hơn trong năm 2025 hay làm cho tình hình quốc tế trở nên phức tạp và xáo động hơn?

Trong năm 2025, xu hướng của các xung đột cũng như các vấn đề đặt ra sẽ xoay quanh quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc, EU và Nga. Với những toan tính chiến lược khác nhau, thực tiễn quan hệ giữa các chủ thể này sẽ có tác động toàn cầu, tạo ra nhiều biến động phái sinh và những điều chỉnh ở một quốc gia, khu vực khác. Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump vào nửa cuối tháng 1 năm 2025 và những toan tính của ông trong quan hệ với Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ tạo ra nhiều những thay đổi tác động đến xung đốt hiện tại ở Ukraine, Gaza, tình hình chính trị ở châu Âu, vấn đề Đài Loan, Bắc Triều Tiên, quan hệ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, xu hướng quan hệ Nga – Trung Quốc...

 Quan hệ Mỹ - Trung Quốc có tác động sâu rộng đến chính trị toàn cầu

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc có tác động sâu rộng đến chính trị toàn cầu

Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc đã có những dấu hiệu vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại, thuế quan dần lan ra các lĩnh vực khác và ngày càng toàn diện hơn. Vì thế, xu hướng quan hệ Mỹ - Trung Quốc có tác động sâu rộng đến chính trị toàn cầu. Giới chuyên môn cho rằng đang có sự chuyển dịch quyền lực ly tâm trong hệ thống chính trị quốc tế hiện nay; trong đó, Trung Quốc vươn lên và có xu hướng phát triển ra bên ngoài cấu trúc hiện tại do Mỹ và các nước đồng minh phương Tây xây dựng từ sau Chiến tranh lạnh. Ngoài ra, cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị thế giới và cục diện chính trị không chỉ ở châu Âu mà còn ở các khu vực khác.

Về xung đột Nga – Ukraine, Tổng thống Trump có nhiều khả năng sẽ thỏa thuận với Nga giữ nguyên hiện trạng để dần chấm dứt cuộc xung đột đang leo thang này nhằm đảm bảo sự ổn định chiến lược; nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính quyền Trump sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine cùng với các nước đồng minh châu Âu từng bước làm suy yếu Nga, mở rộng không gian NATO, khẳng định vai trò của Mỹ ở châu Âu. Vấn đề này trong quan hệ với Trung Quốc là liệu ông Trump có thực sự thực hiện những đe dọa áp thêm thuế với các mặt hàng từ Trung Quốc và nghiêng về hướng bảo vệ Đài Loan, làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa hai cường quốc này hay mặc cả với Trung Quốc trong quan hệ với Nga nhằm đạt được một thỏa thuận ở Ukraine để đổi lại Mỹ sẽ giảm cam kết với Đài Loan.

Quan hệ Mỹ - Châu Âu khó có khả năng cải thiện khi mà trong thời gian vừa qua quan điểm và nhận thức của Mỹ và châu Âu về Trung Quốc và Nga khác nhau. Trong khi châu Âu xem Nga là mối đe dọa hữu hình cần phải loại trừ thì đồng minh Mỹ lại không suy nghĩ như vậy; ngược lại Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược cần phải kiềm chế, ngăn chặn thì châu Âu không có cùng suy nghĩ, có lẽ vì sự phụ thuộc lớn trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Trong trường hợp Trump quay trở lại với chủ trương và chính sách như nhiệm kỳ trước của mình, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thậm chí còn xấu đi. Châu Âu chắc hẳn đã có nhưng tính toán chính sách với kịch bản này.

Ở khu vực châu Âu, cuộc bầu cử ở Đức vào cuối tháng 2 năm 2025 (sau khi chính phủ liên minh nước này sụp đổ) sẽ định hình nền chính trị châu Âu xoay quanh khả năng Đức còn có đủ tiềm lực tiếp tục dẫn dắt EU hay không khi đã suy thoái kinh tế hai năm vừa qua và vừa trải qua biến động chính trị trong nước. Bên cạnh đó, Ủy ban Châu Âu dự kiến công bố sách trắng quốc phòng vào đầu năm 2025 đánh dấu sự chuyển đổi lớn về hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc, quốc phòng của các nước thành viên, một nhu cầu rất thật kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra khi chưa có gì đảm bảo cam kết của Mỹ về an ninh châu Âu trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, EU cũng cần có những biện pháp đảm bảo an ninh kinh tế, giảm phụ thuộc vào nước thứ ba để tự bảo vệ mình khỏi những tác động lớn của cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc.

Nước Anh hậu Brexit với một chính quyền mới trong năm 2025 phải cân bằng trong quan hệ với Mỹ và EU cũng cần có câu trả lời về vai trò của Anh đối với an ninh châu Âu khi xung đột ở Ukraine qua năm thứ tư khi đã cam kết hỗ trợ 3 tỉ Bảng Anh hàng năm cho Ukraine. Việc Trump đắc cử có thể gây áp lực buộc Anh phải thực hiện cam kết này sớm hơn. Ngoài ra, mức độ Anh có thể đóng vai trò tích cực ở các điểm nóng chiến lược khác như ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi nhiều khả năng xung đột gia tăng sau khi Trump trở lại nhà Trắng, sẽ phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng kinh tế để duy trì ảnh hưởng toàn cầu của nước này.

Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, việc Donald Trump trở lại và mức độ theo đuổi, thực hiện cam kết trong quan hệ với Trung Quốc sẽ tác động đến các điểm nóng trong khu vực như Biển Đông, Đài Loan và Triều Tiên… Mỹ có tiếp tục duy trì sự mập mờ chiến lược về Đài Loan hay cứng rắn, rõ ràng hơn về vấn đề này sẽ đẩy quan hệ Mỹ - Trung Quốc căng thẳng hơn không chỉ đơn thuần về kinh tế, thương mại mà còn thúc đẩy Trung Quốc tăng cường hoạt động mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Biển Đông, quyết liệt hơn với vấn đề Đài Loan. Trong khi Hàn Quốc cùng lúc đối mặt với khủng hoảng chính trị trong nước và thách thức từ Triều Tiên ngày càng gia tăng. Kim Jong Un tỏ ra cứng rắn trong đáp trả Hàn Quốc cũng như gửi binh sĩ sang hỗ trợ Nga chiến đấu chống lại Ukraine đồng thời đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân trong nước; vấn đề Triều Tiên vì thế rất có thể nóng hơn trong năm 2025.

Ở khu vực Trung Đông, an ninh của Israel và kiềm chế Iran vẫn sẽ là vấn đề chính. Trump sẽ duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel và ưu tiên các nhu cầu an ninh của nước này ngay cả khi thúc giục chính quyền Netanyahu thu hẹp các hoạt động quân sự ở Gaza và Lebanon sau lệnh ngừng bắn. Đồng thời, Mỹ sẽ tìm cách mở lại cuộc thảo luận dài hạn hơn với Saudi Arabia về một thỏa thuận quốc phòng tăng cường sự hội nhập an ninh khu vực giữa các đối tác của Hoa Kỳ. Thỏa thuận này sẽ phụ thuộc nhiều vào việc bình thường hóa quan hệ Saudi-Israel. Mỹ có khả năng quay trở lại các lệnh trừng phạt gây sức ép tối đa đối với Tehran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran như trong năm 2018 nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán mới về chương trình hạt nhân của Iran và việc chuyển giao viện trợ vũ khí sát thương cho Nga và các chủ thể phi nhà nước. Sự sụp đổ nhanh chóng và bất ngờ của Tổng thống Bashar al-Assad hồi đầu tháng 12/2024 đã làm suy yếu thêm vị thế của Iran và trục các nhóm kháng chiến trên khắp Trung Đông. Nếu không có sự tham gia phối hợp và các tiến trình ngoại giao đi kèm thì khó có thể củng cố ổn định trong khu vực mà còn làm trầm trọng thêm xung đột có tính chu kỳ ở khu vực này.

Như vậy, trong bối cảnh xung đột toàn cầu ở Trung Đông, Ukraine và Sudan đang gia tăng tiềm ẩn có khả năng lan rộng, việc Tổng thống Trump trở lại vào đầu năm 2025 và khả năng tiếp tục chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" sẽ thu hẹp các cam kết quốc phòng toàn cầu của Hoa Kỳ, thúc đẩy các đồng minh xem xét lại các chiến lược và tự tăng cường năng lực của mình. Anh, Liên minh châu Âu và NATO phải đối mặt với một thử thách trong khả năng tăng cường hợp tác và thích ứng với môi trường an ninh ngày càng tăng tính thù địch. Thách thức của NATO là sự chia rẽ nội bộ giữa các quốc gia thành viên NATO trong việc ủng hộ Ukraine, và quan trọng hơn là phải duy trì sự gắn kết của liên minh khi chính sách đối ngoại của Mỹ thay đổi. Trong năm 2025, EU sẽ phải đối mặt với thách thức kép khi vừa phải cải cách thể chế và phục hồi kinh tế vừa phải tăng cường khả năng chuẩn bị cho khủng hoảng và nhu cầu về một cách tiếp cận toàn diện hơn đối với an ninh châu Âu.

Donald Trump 2.0 dự kiến sẽ làm suy yếu các cam kết đa phương của Hoa Kỳ và lên án, nếu không muốn nói là phớt lờ một loạt các hiệp ước quốc tế kể cả Hiệp định Khí hậu Paris và đẩy cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc ngày càng gay gắt; vì thế, một số quốc gia cùng lúc phải chịu sức ép trong quan hệ với cả Mỹ và với Trung Quốc cần có những toan tính nhằm cân bằng quan hệ với hai cường quốc này. Tuy vậy, với sự khó lường của Trump và chính quyền của ông, người ta không thể loại trừ khả năng Mỹ 'bán đứng' các đối tác và đồng minh của mình ở châu Á và ở cả châu Âu để đổi lấy một thỏa thuận lớn hơn với Trung Quốc và Nga.

PGS.TS Bùi Hải Đăng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/chinh-tri-quoc-te-se-nhu-the-nao-trong-nam-2025_172254.html