Chính trị TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động (CTHĐ) nhằm cụ thể hóa thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu đại hội đề ra. Các cấp, các ngành, địa phương bắt tay ngay vào cụ thể hóa các nội dung nghị quyết thành các chương trình công tác, kế hoạch, đề án, nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Bài 1: Tạo khí thế thi đua ngay từ đầu nhiệm kỳ

Triển khai quyết liệt

Ngay sau khi BCH Đảng bộ tỉnh khóa mới ban hành CTHĐ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy tham mưu xây dựng các đề án, nghị quyết. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban, ngành, đoàn thể căn cứ CTHĐ xây dựng kế hoạch, CTHĐ của địa phương, đơn vị thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngoài ra, tỉnh đã ban hành 7 đề án, nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa chương trình trọng điểm, nhiệm vụ đột phá theo nghị quyết đại hội. Điển hình như: Đề án và Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án và Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án và Nghị quyết thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2030…

Được biết, thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa, UBND tỉnh cụ thể thành Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 với việc phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh, tham gia thị trường khu vực và quốc tế trong đó mục tiêu trồng mới trên 4.000ha mắc ca, 2.200ha chè, khai thác 12.995ha cao su. Phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản có lợi thế như: sản xuất lúa tập trung, chanh leo, chuối, hoa. Xây dựng 2 cụm công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, thu hút 13 cơ sở chế biến…

Bà con bản Huổi Hằm, xã Mường Cang (huyện Than Uyên) trồng và phát triển chè. Ảnh tư liệu

Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2021 Sở phối hợp với cơ quan đơn vị liên quan, huyện, thành phố mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ cho bà con nông dân. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc sản xuất, thâm canh, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp như: VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao... Đồng thời, thực hiện các mô hình phục tráng giống lúa đặc sản địa phương; tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp nhu cầu thị trường. Ưu tiên ngân sách, nguồn lực thỏa đáng cho hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại cho nông nghiệp.

Tại vùng quê cách mạng, Đảng bộ huyện Than Uyên cũng đang cụ thể hóa CTHĐ đưa Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh vào thực tiễn. Đồng chí Hoàng Hữu An - Bí thư Huyện ủy Than Uyên nhấn mạnh: “BCH Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng lộ trình từng năm, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tập trung thực hiện hai nghị quyết: phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng. Đặc biệt, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ huyện đạt chuẩn nông thôn mới”.

Thực hiện điều này, huyện rà soát các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã chưa đạt để có các giải pháp tháo gỡ. Với 7 xã đạt nông thôn mới cần duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, riêng 4 xã chưa đạt huyện chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn và tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phân bổ nguồn lực hợp lý và ưu tiên nguồn lực cho các xã này, xác định tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau. Tập trung xây dựng nghị quyết chuyên đề về sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2020-2025. Đến năm 2025, có ít nhất 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 48,5 triệu đồng/người/năm; 100% các xã có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 12%.

Quyết tâm xây dựng Lai Châu phát triển nhanh bền vững

Với tinh thần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch Covid-19, tạo chuyển biến mới ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ. Huyện Tam Đường đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các mô hình, dự án: trồng chuối, chanh leo, chè, mắc ca. Thực hiện xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong tỉnh và khu vực lân cận, tìm kiếm thị trường cho hàng hóa nông sản của địa phương. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay kinh tế của huyện có nhiều khởi sắc, tổng giá trị thương mại trên địa bàn huyện đạt hơn 133 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 113 tỷ đồng, doanh thu từ du lịch 39,3 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn trên 12 tỷ đồng...

Đồng chí Sùng Lử Páo - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường chia sẻ: “Huyện đang tạo mọi điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, du lịch; phát triển một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở 4 xã còn lại: Tả Lèng, Giang Ma, Nà Tăm, Sơn Bình. Phấn đấu đến năm 2025 bình quân thu nhập đầu người đạt 50 triệu đồng. Hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa có giá trị kinh tế cao 600ha tại các xã Bản Bo, Bình Lư, Thèn Sin và thị trấn Tam Đường. Mở rộng vùng chè tập trung chất lượng cao với tổng diện tích chè toàn huyện là 2.200ha, sản lượng mỗi năm đạt 21.300 tấn”.

Ngược vùng cao, chúng tôi đến xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) nơi đây đã có nhiều khởi sắc, đời sống Nhân dân cải thiện rõ rệt. Từ việc bà con chỉ biết cấy lúa, trồng ngô để đảm bảo đời sống thì nay đã biết trồng thêm chè, sơn tra, địa lan, làm du lịch để nâng cao thu nhập. Năm 2020, xã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 32,51%. Đặc biệt, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam và được Hiệp hội Du lịch Việt Nam bình chọn là “Làng du lịch Cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam năm 2019”.

“Xã tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ đối với các loại cây trồng ngắn ngày xen kẽ với ruộng 1 vụ như: khoai tây, lạc, đậu tương. Tích cực mở rộng diện tích trồng chè, phát triển từ 1 đến 2 mô hình trồng cây dược liệu và nhân rộng mô hình cây địa lan. Song song với đó hình thành các hợp tác xã liên kết phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với phát triển du lịch”, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Bí thư Đảng ủy xã Sin Suối Hồ hồ hởi cho biết.

Nơi vùng cao biên giới huyện Mường Tè, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc nơi đây đang ra sức thi đua thực hiện các đề án, nghị quyết của Tỉnh ủy. Đặc biệt, để giúp vùng đồng bào dân tộc La Hủ từng bước vươn lên, huyện đẩy mạnh tuyên truyền người dân La Hủ nâng cao nhận thức, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại; thu hút doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tìm cây trồng, vật nuôi phù hợp và liên kết bao tiêu sản phẩm do người dân làm ra. Sắp xếp dân cư từ những khu vực đặc biệt khó khăn, thiếu đất ở, đất sản xuất, vùng có nguy cơ thiên tai cao đến khu vực có điều kiện sản xuất, sinh sống thuận lợi để định canh, định cư, ổn định lâu dài.

Đồng chí Lý Anh Hừ - Bí thư Huyện ủy Mường Tè cho biết: “Huyện có 2.756 hộ, 12.133 khẩu dân tộc La Hủ sinh sống tại 41 bản của 8 bản. Được Đảng, Nhà nước quan tâm bằng nhiều chính sách hỗ trợ đến nay đời sống bà con được nâng lên với thu nhập đạt 14,3 triệu đồng. Tuy nhiên, vùng dân tộc La Hủ sản xuất vẫn chậm phát triển, thu nhập bấp bênh, trình độ dân trí ở một số vùng còn hạn chế. Với mục tiêu giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế, xã hội giữa đồng bào La Hủ với đồng bào các dân tộc thiểu số khác phấn đấu đến năm 2025, đưa vùng đồng bào dân tộc vào nhóm phát triển trung bình của huyện. Đảng bộ đã đề ra nhiều giải pháp, lồng ghép các chương trình, đề án, chính sách để triển khai thực hiện. Qua đó, giúp đồng bào từng bước vươn lên thoát nghèo“.

Với sự chủ động vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai, quán triệt, học tập và thực hiện CTHĐ của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2025 đã và đang góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống. Từ đó, xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/b%C3%A0i-2-c%E1%BB%A5-th%E1%BB%83-h%C3%B3a-t%E1%BB%AB-ngh%E1%BB%8B-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BA%BFn-ch%C6%B0%C6%A1ng-tr%C3%ACnh-h%C3%A0nh-%C4%91%E1%BB%99ng