Hà Nội - từ vị thế cực tăng trưởng đến động lực phát triển Quốc gia

Hội tụ nhiều tiềm năng to lớn cho phát triển, Hà Nội đã và sẽ là một cực tăng trưởng kinh tế lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước.

Đây là khẳng định của PGS.TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) tại hội thảo khoa học Quốc gia "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu", sáng 7/10.

PGS.TS Bùi Tất Thắng phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Bùi Tất Thắng phát biểu tại hội thảo.

Phát huy vai trò cực tăng trưởng

Đánh giá về lợi thế, tiềm năng phát triển của Hà Nội, PGS.TS Bùi Tất Thắng cho biết, Hà Nội nằm ở tâm điểm của miền Bắc Việt Nam, nơi tiếp giáp giữa Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Trung du miền núi phía Bắc, Thủ đô Hà Nội là “trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Đặc biệt, lần mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội trở thành 1 trong 10 Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Trên địa bàn hiện có khoảng 80% số trường đại học, viện nghiên cứu; 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% tổng số GS, PGS, TS và TS khoa học đang sinh sống và làm việc, nhiều nghệ nhân, văn nghệ sĩ, là tiềm năng, nguồn vô giá, giúp Hà Nội thuận lợi trong việc tiếp nhận, phổ biến tri thức, công nghệ mới trong thời kỳ mới.

PGS.TS Bùi Tất Thắng cho biết, với quy mô dân số hơn 8 triệu người và sức hấp dẫn nhập cư rất lớn, Hà Nội luôn có nguồn nhân lực dồi dào. Hơn nữa, với cơ chế tự chọn lọc của vị thế kinh đô, Hà Nội luôn là nơi hội tụ của nhân tài, tinh hoa và đội ngũ đông đảo nhân lực chất lượng cao trong mọi lĩnh vực mà không nơi nào có được.

Song song với đó, Hà Nội có quy mô kinh tế lớn, số lượng doanh nghiệp nhiều, thu ngân sách lớn, mức thu nhập và đời sống cư dân cao hơn, nguồn tiền tích lũy trong xã hội cũng sẽ nhiều hơn. Vì thế, rất cần một chính sách để đưa được nguồn tiền này (cùng với nguồn vốn hóa từ đất) vào hoạt động sản sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội ban hành có nhiều điểm mới, mang tính đột phá đều chủ yếu gắn với thể nghiệm các thể chế kinh tế mới: phân quyền, mô hình quản lý và phát triển đô thị, phát triển nhân lực, đất đai, huy động nguồn lực… vừa tạo sức bật mới cho Hà Nội phát triển, vừa đồng thời đặt ra cho chính quyền và nhân dân Thủ đô trách nhiệm cao hơn đối với vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước.

Trong những năm gần đây, vấn đề phát triển vùng và liên kết vùng rất được các nhà quản lý và các nhà khoa học quan tâm vì nhiều lý do: nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, mỗi vùng. Thủ đô Hà Nội là trung tâm phát triển vùng, là nơi có các nguồn tốt nhất ở miền Bắc để triển khai thực hiện liên kết vùng vì sự phát triển trước hết của chính Thủ đô bền vững và sau đó là thực hiện vai trò kiến tạo, dẫn dắt các địa phương, vùng xung quanh cùng phát triển.

Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội rõ ràng cần phát huy vai trò cực tăng trưởng đã có để thực sự đóng vai trò động lực phát triển: kiến tạo, dẫn dắt sự phát triển của cả miền Bắc và cả nước.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Lan tỏa, khởi tạo, dẫn dắt sự phát triển kinh tế Vùng và cả nước

Thủ đô Hà Nội hội tụ nhiều tiềm năng to lớn cho phát triển, đã là một cực tăng trưởng kinh tế lớn của vùng ĐBSH và của cả nước. Thời kỳ tới đây, Hà Nội chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục giữ vị thế là cực tăng trưởng kinh tế lớn nhất của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả miền Bắc. Trách nhiệm cao hơn - thực sự đóng vai trò là động lực, khởi tạo và dẫn dắt sự phát triển của vùng và cả nước đang đặt ra trước Thủ đô Hà Nội không ít thách thức mới, nhưng cũng rất nhiều cơ hội rộng mở.

Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, trong mối quan hệ tương đối giữa vai trò “cực tăng trưởng” với vai trò “động lực phát triển”, không nhất thiết phải dồn mọi nỗ lực cho mục tiêu tăng quy mô kinh tế và tỷ trọng kinh tế trong GDP cả nước của riêng Hà Nội. Điều rất quan trọng và đáng được mong đợi hơn nhiều đối với vị thế Thủ đô, nếu cùng với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến 2030, tăng trưởng GRDP giai đoạn 2026 - 2030 đạt 8,0 - 8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD, và đến năm 2045 GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Vì vậy, Hà Nội đứng trước thời kỳ đòi hỏi nhiều hơn tính năng động, sáng tạo và khai phá trong việc thể nghiệm các thể chế kinh tế mới, cùng với một số địa phương đang được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù với mong muốn sẽ tổng kết để nhân rộng những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tốt ra cả nước. Một trong những điểm mới, đột phá mà Hà Nội cần tiên phong trong việc thực hiện là "“phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”".

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển của các thành phố lớn trên thế giới, PGS.TS Bùi Tất Thắng cho biết, họ không chỉ tập trung khai thác các nguồn lực và nhân tố phát triển từ bên trong, mà còn tìm kiếm các cơ hội hợp tác, các nhân tố từ bên ngoài. Và để phát triển bền vững thì cần có cơ chế hợp tác để cùng phát triển, cùng nương tựa và hỗ trợ lẫn nhau để gia tăng quy mô thị trường và duy trì, nuôi dưỡng các nhân tố phát triển. Trên thực tế, Hà Nội đang triển khai mạnh mẽ một số công trình hạ tầng, trước hết là hệ thống giao thông kết nối ở tầm vùng (đường vành đai 4, vành đai 5) rất có kết quả. Phát huy thành quả ban đầu này, cần tiếp tục duy trì và phổ cập từ duy vùng trên nhiều phương diện, chính sách để thực sự đóng vai trò động lực phát triển của miền Bắc và cả nước.

Gợi mở giải pháp phát huy vai trò là động lực phát triển kinh tế của Hà Nội, PGS.TS Bùi Tất Thắng cho rằng, cần phát huy hiệu quả hơn các nguồn lực nội tại to lớn của Thủ đô. Đi đầu trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và bảo vệ môi trường. Đồng thời sáng tạo trong việc thể nghiệm các thể chế kinh tế mới.

“So với các địa phương khác trong nước, Hà Nội có quy mô kinh tế lớn, số lượng doanh nghiệp nhiều, thu ngân sách lớn, mức thu nhập và đời sống cư dân cao hơn, nguồn tiền tích lũy trong xã hội cũng sẽ nhiều hơn. Vì thế, rất cần một chính sách để đưa được nguồn tiền này (cùng với nguồn vốn hóa từ đất) vào hoạt động sản sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế” – PGS.TS Bùi Tất Thắng khuyến nghị.

Những nhân tố tạo sự lan tỏa, khởi tạo và dẫn dắt sự phát triển kinh tế đối với các vùng xung quanh sẽ được Hà Nội triển khai mạnh mẽ, thực sự trở thành động lực phát triển mọi người cảm nhận được của miền Bắc và cả nước.

Hồng Thái - Thanh Hải - Phương Nga - Trần Long

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-tu-vi-the-cuc-tang-truong-den-dong-luc-phat-trien-quoc-gia.html