Chính trị TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Từ khi đi vào hoạt động, các tổ dân vận bản trên địa bàn xã Nậm Cần (huyện Tân Uyên) thường xuyên nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Đồng chí Lò Văn Păn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cần cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 3 tổ dân vận ở các bản: Nà Phát, Phiêng Áng, Phiêng Lúc. Các thành viên tham gia tổ dân vận là bí thư chi bộ, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, có trách nhiệm, tâm huyết, nhiệt tình với công việc, được Nhân dân tin tưởng. Các tổ dân vận tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Đồng thời, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, sâu sát, gần gũi với Nhân dân, giải quyết vấn đề liên quan đến Nhân dân một cách cụ thể, kịp thời”.
Các tổ dân vận tập trung vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để phát triển kinh tế gia đình. Do đó, đã khích lệ các hộ dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Bản Phiêng Áng được đánh giá có nhiều điểm nhấn trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở xã Nậm Cần với nhiều mô hình kinh tế như: chăn nuôi đại gia súc, đánh bắt thủy sản, trồng quế… góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo và làm giàu. Vai trò của tổ dân vận bản luôn được cấp ủy, chính quyền xã biểu dương và đánh giá cao. Được biết, bản Phiêng Áng có 41 hộ dân, nhưng có gần một nửa số hộ có kinh tế khá và chỉ còn 1 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Để có được điều này xuất phát từ sự gương mẫu, đi đầu và tích cực vận động, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế của bí thư chi bộ, trưởng bản, các đoàn thể và thành viên tổ dân vận bản. Anh Lò Văn Pâng (người dân bản Phiêng Áng) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, do diện tích đất sản xuất ít cũng như chưa biết cách phát triển kinh tế gia đình, song nhờ được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, ban quản lý bản, tổ dân vận bản thường xuyên tuyên truyền, giúp đỡ tôi về vốn, giống, kỹ thuật sản xuất. Ngoài ra, đồng chí Bí thư Chi bộ bản Lò Văn Tiên trực tiếp “cầm tay chỉ việc”. Đến nay, gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo. Kinh tế gia đình ngày một khá hơn khi tập trung trồng quế, đánh bắt thủy sản, chăn nuôi trâu và trồng ngô trên đất bán ngập. Gia đình tôi cảm ơn cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ dân vận bản, đặc biệt là đồng chí bí thư chi bộ rất nhiều”.
Được biết, không chỉ có tổ dân vận bản Phiêng Áng, hiện 2 tổ dân vận bản Nà Phát, Phiêng Lúc cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân thi đua sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, thành viên trong các tổ dân vận tích cực phối hợp với các nhà trường tuyên truyền, vận động dân bản cho con em đến trường học tập. Vì vậy, đến nay trong xã không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, tỷ lệ học sinh chuyên cần hàng năm đạt 95% trở lên. Cùng với đó, còn vận động Nhân dân giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc; thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phòng chống ma túy, HIV/AIDS; phòng, chống các loại tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và trộm cắp tài sản…
Trong thời điểm dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, các thành viên của 3 tổ dân vận bản “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt tình hình, đời sống Nhân dân; tuyên truyền đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân nghiêm túc thực hiện quy định về phòng, chống dịch… Đồng thời, kêu gọi Nhân dân, nhà hảo tâm tham gia ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ tính riêng năm 2021 đã vận động ủng hộ được hơn 6 triệu đồng.
Với những kết quả đạt được, các tổ dân vận ở xã Nậm Cần đã và đang thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, tạo sự đồng thuận của người dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, góp phần xây dựng đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.