Chính trị TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Trải qua nhiều khó khăn, lớp lớp đảng viên người dân tộc Mông vẫn giữ trọn niềm tin sắt son theo Đảng, dù ở cương vị nào họ luôn giữ vững phẩm chất gương mẫu, là hạt nhân tiên phong trong mọi phong trào, đi đầu phát triển kinh tế - xã hội. Trở thành những 'ngọn đuốc' soi sáng khắp các bản làng người Mông nơi ven trời Tây Bắc.

*Bài 2: Loại bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới

Những “ngọn đuốc” tỏa sáng

Chúng tôi tìm gặp anh Vàng A Chỉnh, dân tộc Mông, trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) - người tiên phong đưa “du lịch cộng đồng” về với bản Sin Suối Hồ. Qua câu chuyện của anh, chúng tôi được biết 20 năm về trước Sin Suối Hồ được biết đến là “thủ phủ” của ma túy. Trong bản có rất nhiều người nghiện thuốc phiện và họ cũng là hộ nghèo của bản.

Để vận động bà con thoát khỏi “nàng tiên nâu”, bản thân anh Chỉnh đã phối hợp cùng cấp ủy chính quyền, bộ đội biên phòng đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu tác hại của ma túy để tránh xa. Vận động người thân trong gia đình đi cai nghiện để làm gương cho bà con noi theo. Ông trời không phụ lòng người, cuối năm 2014 cả bản Sin Suối Hồ ngập tràn niềm vui vì không còn ai nghiện ma túy.

Anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (người thứ 3 từ trái sang) cùng Nhân dân làm đường nội bản.

Anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (người thứ 3 từ trái sang) cùng Nhân dân làm đường nội bản.

Tuy nhiên cái đói, nghèo vẫn bủa vây người dân nơi đây, làm thế nào để giúp bà con thoát nghèo là câu hỏi khiến trưởng bản Vàng A Chỉnh nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ. Nhận thấy bản có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, anh mạnh dạn đầu tư sửa chữa nhà cửa, trồng địa lan, làm hàng rào đá thu hút khách du lịch đến tham quan, check in. Học hỏi từ cách làm du lịch của các địa phương khác, anh phát triển dịch vụ homestay, đồng thời vận động, giúp đỡ bà con trong bản cùng làm.

Để thu hút khách du lịch, anh Chỉnh tổ chức họp bản, lấy ý kiến xây dựng chợ phiên. Nói là làm, anh tiên phong hiến gần 1.000m2 đất của gia đình để san gạt, quy hoạch thành chợ. Vận động bà con cùng tham gia trồng cây xanh, kê đá, đóng cọc dựng các gian hàng trong chợ. Cũng kể từ khi bản Sin Suối Hồ công nhận bản du lịch (năm 2015), chợ phiên trở thành điểm tham quan hấp dẫn của nhiều du khách, nhất là các gian hàng trang phục, đồ lưu niệm thủ công do chính người dân làm ra.

Anh Vàng A Chỉnh chia sẻ: “Để phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng, tôi vận động bà con thành lập đội văn nghệ, làm các món ăn dân tộc, khuyến khích các hộ đón khách du lịch ăn, nghỉ tại nhà. Hiện nay, bản có 20 hộ kinh doanh homestay, mỗi năm lượng khách du lịch tham quan bản khoảng 20.000 lượt người. Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con dân tộc Mông nơi đây”.

Được biết đến là già làng của người Mông xã Pha Mu (huyện Than Uyên), ông Kháng Sính Vàng - bản Pá Khoang là tấm gương sáng trong các phong trào thi đua xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Già làng Kháng Sính Vàng - bản Pá Khoang (xã Pha Mu, huyện Than Uyên) tuyên truyền bà con thực hiện bản cam kết “5 việc phải làm, 5 việc không làm”.

Già làng Kháng Sính Vàng - bản Pá Khoang (xã Pha Mu, huyện Than Uyên) tuyên truyền bà con thực hiện bản cam kết “5 việc phải làm, 5 việc không làm”.

Mặc dù ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn còn minh mẫn, đặc biệt ông tiên phong trong việc nuôi ong lấy mật, đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc. Mỗi năm trừ chi phí ông thu hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông vận động bà con khoanh nuôi, bảo vệ gần 500ha rừng tự nhiên và tái sinh, bình quân mỗi hộ trong bản được chi trả gần 5 triệu đồng/năm.

Ông Vàng tâm sự: “Thực hiện chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông, tôi thường xuyên tuyên truyền bà con chấp hành và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước nhất là bản cam kết “5 việc cần làm - 5 việc không nên làm”. Để làm được điều này, tôi nêu cao tinh thần gương mẫu của người đảng viên, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Vận động người dân không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, không tàng trữ, hút chích ma túy, loại bỏ hủ tục lạc hậu, cùng xây dựng bản văn hóa”.

Ngược vùng cao biên giới huyện Phong Thổ, chúng tôi ghé thăm ông Mùa A Sinh, dân tộc Mông - ở bản Hang É, xã Pa Vây Sử. Ông được mệnh danh là một trong những người “truyền lửa” của bản, bởi ông đã có “thâm niên” gần 10 năm bám biên với phong trào tự quản đường biên, mốc giới; vận động bà con nghe theo cái hay, làm theo cái đúng tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc.

Ông Sinh bộc bạch: Đã trở thành thói quen, hàng ngày đi làm nương tôi đều ghé thăm cột mốc, dọn vệ sinh, nếu thấy gì bất thường sẽ báo cho cán bộ biên phòng để xử lý. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên cập nhật quy định mới về quản lý đường biên, mốc giới để thông tin đến người dân, vận động bà con tích cực tham gia các tổ, nhóm tự quản đường biên, cột mốc quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Trọn niềm tin theo Đảng

Hiện nay, tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông có 19.320 hộ, 106.090 khẩu, chiếm 23,51% tổng dân số toàn tỉnh. Người Mông hiện đang cư trú ở 68 xã phân bổ ở 8 huyện, thành phố.

Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã ưu tiên nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án, chính sách. Trong đó, chủ lực là chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt, xây dựng cơ sở hạ tầng cho đồng bào dân tộc Mông. Ngoài ra, các chương trình 135, 167, 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo điều kiện cho đồng bào Mông phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người Mông; tuyển dụng con em người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Mông; phát triển đảng viên là người Mông… đã góp phần quan trọng giúp cộng đồng người Mông trên địa bàn tỉnh thay đổi được "nếp nghĩ", "cách làm" từng bước khẳng định vị trí của mình trên mọi lĩnh vực lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Mông nói riêng, ngày càng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nhìn một cách tổng thể, đến nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông đã có sự đổi thay vượt bậc. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, sạch đẹp, 100% số xã có điện lưới quốc gia, có đường giao thông đến trung tâm xã. Hơn 95% số hộ được dùng điện, các bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Hệ thống thông tin liên lạc được đảm bảo; có trạm y tế phục vụ khám chữa bệnh ban đầu cho người dân; trường học được đầu tư kiên cố giúp cho trẻ đến trường, học hành thuận lợi... Thực hiện lời Bác Hồ dặn, đồng bào dân tộc Mông đoàn kết tập trung phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững. Ngoài trồng lúa, ngô, sắn, những năm gần đây bà con mạnh dạn đưa vào trồng các loại cây, con giống mới như: phát triển mô hình trồng chanh leo ở xã Tà Mung (huyện Than Uyên); trồng cây dược liệu xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ); nuôi cá tầm, hồi xã Sơn Bình (huyện Tam Đường); phát triển du lịch cộng đồng xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ... đã và đang làm thay đổi cuộc sống, diện mạo của những bản người Mông ở những xã vùng cao, biên giới.

Bà con dân tộc Mông xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) chăm sóc cây đương quy.

Bà con dân tộc Mông xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) chăm sóc cây đương quy.

Đi đến các bản làng chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện góp công, góp sức thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của bà con dân tộc Mông. Nhiều bản đưa ra cách làm hay, giải pháp linh hoạt trong thực hiện tiêu chí về làm đường giao thông nông thôn. Ở bản Nậm Pha, xã Khun Há (huyện Tam Đường), bà con thường nhắc đến Bí thư Chi bộ Hàng A Công - người tiên phong trong xây dựng nông thôn mới.

Để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bản thân ông Công phối hợp xã tuyên truyền, vận động Nhân dân làm được 1.500m đường giao thông nội đồng; đóng góp được 35 triệu đồng, trên 250 ngày công lao động để làm nhà văn hóa bản Nậm Pha. Ông Công tâm sự: Lúc đầu huy động người dân tham gia hiến đất, góp công đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều do chưa hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới nên nhiều hộ không bằng lòng, sợ mất đất. Tôi giải thích cặn kẽ để từng người hiểu rõ: Chương trình xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước gắn với lợi ích thiết thực của người dân; làm đường, làm nhà văn hóa sẽ giúp việc đi lại dễ dàng, có nơi để sinh hoạt cộng đồng. Nhờ đó, bà con đồng thuận hiến đất, góp công, chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh bản làng. Với phương châm "Nhà nước với Nhân dân cùng làm", xã Khun Há đã từng bước đạt các tiêu chí khó như: đường giao thông nông thôn, môi trường, tỷ lệ hộ nghèo... xã vinh dự được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Đến các bản của xã Pha Mu (huyện Than Uyên) đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc Mông nơi đây có nhiều khởi sắc. Trong đó, đường nội bản được bê tông hóa, khuôn viên nhà ở, ngõ bản thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, không còn gia súc thả giông như trước. Các gia đình đang tổ chức giúp nhau chỉnh trang lại nhà cửa khang trang, đặc biệt mỗi hộ đều làm cổng to theo mẫu truyền thống của dân tộc Mông. Bà con cùng chung sức đồng lòng, vững niềm tin theo Đảng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như mong ước của Bác Hồ.

Bà con dân tộc Mông xã Tà Mung, huyện Than Uyên phát triển mô hình trồng cây chanh leo.

Bà con dân tộc Mông xã Tà Mung, huyện Than Uyên phát triển mô hình trồng cây chanh leo.

Anh Lý A Dềnh – bản Huổi Bắc chia sẻ: “Để chung sức xây dựng nông thôn mới, bản thân gia đình tôi tự ý thức vươn lên phát triển kinh tế, xây nhà kiên cố, góp công làm đường giao thông nội bản, làm nhà văn hóa. Tôi đang nhờ anh em trong bản đến giúp làm cổng theo kiểu truyền thống phù hợp với nét văn hóa của dân tộc Mông, để sau này hướng đến phát triển bản du lịch cộng đồng”.

Rời các bản vùng đồng bào dân tộc Mông, chúng tôi cảm nhận bà con nơi đây luôn trọn niềm tin theo Đảng, theo Bác Hồ. Nhân dân phấn khởi tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Mặc dù, cuộc sống phía trước còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn vững niềm tin bằng sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con dân tộc Mông sẽ chung sức xây dựng bản làng ngày càng ấm no, giàu đẹp, văn minh.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/b%C3%A0i-3-kh%C3%BAc-ca-ng%C3%A0y-m%E1%BB%9Bi-%E1%BB%9F-b%E1%BA%A3n-m%C3%B4ng