Chính trị - Xã hội An sinh xã hội Níu chân lao động lâu dài

TTH - Để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo các đơn hàng và việc mở rộng quy mô sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) đang cần tuyển thêm nhiều lao động (LĐ) mới. Song để thu hút LĐ và giữ chân người LĐ lâu dài không phải là chuyện dễ, nếu DN thiếu quan tâm đến điều kiện làm việc, tiền lương, chế độ đãi ngộ, kế hoạch sản xuất...

Có nhiều nhà máy may công nghiệp hình thành cũng là yêu cầu để các DN phải có chính sách thu hút và giữ chân lao động

Có nhiều nhà máy may công nghiệp hình thành cũng là yêu cầu để các DN phải có chính sách thu hút và giữ chân lao động

Áp lực

Chị Thúy Loan ở Lý Nam Đế, TP. Huế gắn bó với nghề may gần 10 năm tại một doanh nghiệp đóng tại phường Hương Sơ, TP. Huế. Từ khi có con nhỏ, chị Loan gặp nhiều khó khăn trong việc lo toan, chăm sóc cho con, gia đình. Chị chia sẻ: “Những hôm tăng ca là không được thấy mặt con, vui cùng con. Vì lúc mình đi làm sớm thì con chưa dậy, lúc về đến nhà con đã ngủ rồi. Thế là mình quyết định nghỉ việc. Ở nhà thuê mặt bằng mở quán kinh doanh hàng ăn gần nhà”.

Qua tìm hiểu, phần lớn nhiều công nhân may đều không muốn làm việc tăng ca, tăng giờ. Bởi lẽ, tiền lương có tăng thêm khoảng vài trăm ngàn đến triệu đồng mỗi tháng, nhưng rất áp lực về giờ giấc, không có nhiều thời gian dành cho gia đình, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. Hơn nữa, do điều kiện thời tiết ở Huế rất khắc nghiệt, nên việc đi sớm về muộn không đảm bảo an toàn, sức khỏe, nhất là về mùa mưa, bão.

Tại hội nghị rà soát nhu cầu lao động do Sở LĐTB&XH tổ chức gần đây, đại diện Công ty CP Đầu tư Dệt may Thiên An Phát thẳng thắn nêu ý kiến, đơn vị rất thiết tha và vận động người LĐ đổi ý ở lại công ty làm việc mỗi khi nhận được đơn xin nghỉ của họ. Lãnh đạo công ty nhận thấy đã cố gắng hết sức để mang lại chế độ, chính sách, tiền lương tốt nhất cho công nhân. Vừa tuyển dụng thêm LĐ mới, công ty cũng rất muốn giữ chân LĐ cũ ở lại lâu dài với công ty để không bị ảnh hưởng, gián đoạn dây chuyền sản xuất.

Mỗi LĐ đều có hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nên việc quyết định bám trụ một công việc lâu dài hay nhảy việc, nghỉ việc, chuyển đổi nghề là quyền lựa chọn của mỗi người. Chị Chân Như ở Lê Thánh Tôn (TP. Huế) khi quyết định nghỉ làm ở một công ty may ở Phú Bài rất đắn đo vì sẽ mất các chế độ, như hỗ trợ công đoàn, bảo hiểm y tế, chế độ thai sản... Tính toán lại thiệt hơn, chị đành chấp nhận ở nhà kinh doanh buôn bán cùng mẹ chồng và chăm 2 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học.

Chính sách giữ chân và thu hút lao động

Lương và thưởng là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyết định đi hay ở của người LĐ. Nắm bắt tâm lý này, nhiều công ty đều rất quan tâm cân đối ngân sách để có chế độ tiền lương, tiền thưởng hợp lý, khích lệ, động viên tinh thần lao động vào mỗi dịp lễ, tết. Để giữ chân LĐ, các DN còn chú trọng xây dựng môi trường làm việc vui vẻ, thân thiện cùng với việc đáp ứng đầy đủ các chế độ đãi ngộ, như hỗ trợ xăng xe, nhà ở, điện thoại, thăm hỏi khi ốm đau, gia đình có hiếu, hỷ...

Ông Đỗ Xuân Huynh, đại diện Công ty Scavi Huế cho biết, công ty đang cần tuyển 2.500 LĐ từ nay đến cuối năm và cần 4.500 thành viên đến năm 2022. Với nhu cầu tuyển lớn, tận dụng lượng LĐ trở về địa phương từ các vùng dịch, công ty đưa ra chính sách hỗ trợ nóng 5 triệu đồng và 3 triệu đồng lương tháng 13/2021 cho mỗi LĐ nghề may mới vào làm. Ngoài ra, để giữ chân người LĐ, công ty đã bố trí xe đưa đón, xây dựng khu chung cư có sức chứa 6.000 thành viên và phí xăng xe nếu ai không đi xe đưa đón. Công ty CP Dệt may Thiên An Phú cũng đang giải quyết việc làm cho 1.650 LĐ tại nhà máy ở KCN Phú Đa (Phú Vang) và cần tuyển thêm 1.100 LĐ (ưu tiên 900 LĐ may và 200 LĐ dịch vụ) để làm việc tại KCN Phú Bài, Hương Sơ, nên cũng áp dụng mức thu nhập, chế độ làm việc và các khoản phụ cấp xăng xe, nhà ở... đảm bảo nguyện vọng của người LĐ.

Trong đợt dịch bùng phát, nhiều DN đã có chính sách hỗ trợ đối với trường hợp F1, F2 và chi trả đủ tiền lương trong 14 ngày cách ly, đảm bảo việc làm, sinh hoạt cho LĐ. Các DN cũng có chính sách hỗ trợ LĐ sau thời gian cách ly 100% chi phí xét nghiệm PCR trước khi vào làm việc để đảm bảo an toàn về phòng dịch COVID-19.

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, mỗi DN không nên chủ quan vì việc sử dụng con người đòi hỏi phải hết sức tinh tế, phải xây dựng môi trường làm việc thân thiện, có chế độ chính sách ưu đãi để giữ chân LĐ. Để tuyển mộ được người LĐ, DN cần quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo chuyên sâu như đào tạo tay nghề, kỷ luật, tác phong... tại DN, vì đa phần lao động mới chỉ được đào tạo cơ bản tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Để giữ chân người LĐ, trong đào tạo cần có cam kết giữa DN với người được đào tạo, cùng thỏa thuận và có giải pháp để không bị “mất” người LĐ sau khi đào tạo xong.

Với hơn 16.000 người trong độ tuổi lao động trở về địa phương đợt này, chưa biết con số đi hay ở lại là bao nhiêu. Nếu các DN trên địa bàn có chính sách đãi ngộ, mức thu nhập tương đối ngang bằng hoặc thấp hơn một chút so với mức lương tại các DN phía Nam thì khả năng thu hút, giữ chân người LĐ ở lại làm việc lâu dài sẽ thuận lợi hơn.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/niu-chan-lao-dong-lau-dai-a104774.html