Chính trị - Xã hội Cải cách hành chính 'Gỡ khó' cho người dân

TTH - Bằng trách nhiệm và nỗ lực có lúc là 200% trong công tác hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp đã 'gỡ khó' rất nhiều cho người dân, xây dựng niềm tin trong Nhân dân.

Người dân vùng biên giới phấn khởi khi được nhập quốc tịch Việt Nam. Ảnh: Sở Tư pháp cung cấp

“Vào cuộc” rốt ráo

Cuối năm 2019, lá thư viết tay của chị Lê Thị A., hiện sinh sống và công tác trên địa bàn thị xã Hương Trà, bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc vì Sở Tư pháp đã giúp “tháo gỡ” những vướng mắc về hộ tịch mà chị tưởng chừng như không thể.

Trước đó, từ một số nhầm lẫn, dẫn đến năm sinh của chị ghi trong hộ khẩu không thống nhất với năm sinh ghi tại các loại giấy tờ khác như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hồ sơ công chức... Đến lúc cần thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến cuộc sống, công việc, thì chị A. không thể nào thực hiện được, dù chị đã “gõ cửa” rất nhiều cơ quan, đơn vị các cấp trên địa bàn thị xã Hương Trà.

Trước sự “bế tắc” của trường hợp này, Sở Tư pháp đã có công văn trao đổi nghiệp vụ, đưa ra đề xuất và được Công an tỉnh thống nhất. Theo đó, Sở Tư pháp đã hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ cho chị A., đồng thời có văn bản hướng dẫn Phòng Tư pháp thị xã Hương Trà thực hiện các bước xác minh, đề xuất với UBND thị xã Hương Trà để đơn vị này thực hiện các thủ tục liên quan, theo thẩm quyền. Sau đó, các bước tiếp theo được thực hiện, năm sinh của chị A. được điều chỉnh đồng bộ.

Một trường hợp khác (sinh sống tại phường Phú Hậu, TP. Huế), không biết chữ, không được đăng ký khai sinh, không được đăng ký cư trú, không có bất cứ giấy tờ gì về nhân thân. Do đó chị này lấy chồng mà không được đăng ký kết hôn; con sinh ra cũng không có giấy khai sinh. Lúc sắp sinh đứa con thứ hai, chị “cầu cứu” Sở Tư pháp. Bằng tất cả trách nhiệm với người dân, Sở Tư pháp đã hướng dẫn trường hợp này đến các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các thủ tục cần thiết. Đồng thời, Sở Tư pháp cũng gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị liên quan, tạo thuận lợi cho người dân. Nhờ vậy, công dân này đã được thực hiện đăng ký khai sinh, hộ khẩu, làm căn cước công dân...

Theo lãnh đạo Sở Tư pháp: Rất nhiều trường hợp “khó” trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch đã được Sở Tư pháp “vào cuộc” rốt ráo, để mọi vướng mắc được tháo gỡ. Năm 2020 và 2021, phối hợp cùng Công an tỉnh và các ngành liên quan, giải quyết đảm bảo quyền lợi cho hơn 300 trường hợp ở huyện A Lưới sai lệch hộ tịch. Thực hiện Luật Quốc tịch và các đề án về giải quyết người di cư tự do và kết hôn không giá thú nơi vùng biên giới, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và nước bạn Lào, tham mưu, giải quyết khoảng 170 trường hợp người dân Lào (vốn là người gốc Việt) nhập Quốc tịch Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý để đăng ký hộ tịch, cư trú…, ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.

Đem đến niềm tin

Từ năm 2018, thực hiện Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Sở Tư pháp thực hiện công tác xóa án tích đương nhiên cho người đủ điều kiện xóa án tích (trước đây do ngành tòa án giải quyết). Theo quy định này, người dân thuận lợi hơn rất nhiều. Thay vì phải tự liên hệ các cơ quan liên quan để xin cấp các loại giấy tờ (như bản án đã có hiệu lực pháp luật, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, giấy xác nhận thi hành xong phần dân sự trong bản án hình sự…), thì bây giờ người dân chỉ cần nộp “Tờ khai cấp phiếu lý lịch tư pháp” để đề nghị xóa án tích, kèm chứng minh nhân dân và hộ khẩu. Tất cả các “khâu” còn lại theo quy định, do công chức Sở Tư pháp thực hiện.

Lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết, có trường hợp thi hành bản án hình sự xong từ thời chia tách tỉnh (năm 1989- 1990), nhưng đến nay, người dân mới có yêu cầu thực hiện thủ tục xóa án tích. Vậy là phải “lần” theo rất nhiều “địa chỉ”, vì tỉnh, huyện đã chia tách, rất vất vả. Còn vất vả hơn khi có trường hợp người cần xóa án tích có 4-5 án tích. Công chức Sở Tư pháp phải liên hệ nhiều cơ quan tòa án, nhiều trại giam, nhiều cơ quan thi hành án dân sự, hình sự trước đó đã xét xử, thi hành án.

“Phức tạp” nhất là khi phải liên hệ, yêu cầu cung cấp các loại giấy tờ của người cần xóa án tích tại những cơ quan tòa án, trại giam…, trên địa bàn tỉnh khác (có khi tại TP. Hồ Chí Minh), nhất là trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng. Công chức Sở Tư pháp có lúc phải nỗ lực và nêu cao trách nhiệm đến 200%, mới có thể có đầy đủ thông tin, giải quyết nhanh nhất cho người dân. Đặc biệt, các trường hợp quá trình các cơ quan Nhà nước giải quyết có sự sai sót hoặc do pháp luật chưa đồng bộ, có thể gây bất lợi cho người dân, thì Sở Tư pháp tiến hành rất nhiều biện pháp nghiệp vụ, cùng với các cơ quan liên quan, có các biện pháp khắc phục theo hướng có lợi cho người dân.

Quỳnh Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/go-kho-cho-nguoi-dan-a107523.html