Chính trị - Xã hội Cần cam kết mạnh mẽ

“Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” là điều đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thể hiện trong phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).

Đường phố Huế được bao phủ bởi cây xanh (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Đường phố Huế được bao phủ bởi cây xanh (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Thông điệp này từ Việt Nam đã tạo ấn tượng từ phía các quan chức quốc tế như một “tinh thần đi đầu về khí hậu thực sự của Việt Nam” như cách mà Chủ tịch COP26, Bộ trưởng Chính phủ Anh Alok Sharma bày tỏ. Việt Nam đã “gia nhập hàng ngũ với nhiều quốc gia khác cam kết ngừng phát thải vào giữa thế kỷ này hoặc sau đó nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu” là nhấn mạnh của Hãng thông tấn Reuters. Trong khi Times Kuwait trích hẳn cam kết về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam lên tiêu đề trong bài viết của mình, Tạp chí Bloomberg Green lại dẫn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc khẳng định Việt Nam sẽ xây dựng các chính sách riêng, kết hợp với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ các nước phát triển để đạt được mục tiêu trung hòa carbon trong việc tham gia vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời chứng tỏ vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Điều này cho thấy, không chỉ Việt Nam được dư luận và truyền thông thế giới đánh giá cao tại COP26 mà còn cho thấy sự quan tâm và cần những cam kết và hành động mạnh mẽ hơn để đối phó và ứng xử với những tác động ngày một nghiêm trọng hơn do biến đối khí hậu.

Một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới với sự tham gia của 197 quốc gia đã được thể hiện ở Hiệp ước Khí hậu Glasgow với 71 điều khoản cụ thể. Quan trọng hơn là với việc thừa nhận tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và tầm quan trọng của việc bảo đảm sự phục hồi bền vững, mạnh mẽ và bao trùm trên toàn cầu. Đồng thời bày tỏ tinh thần đoàn kết đặc biệt với các quốc gia đang phát triển, COP26 được kỳ vọng sẽ trở thành tác động quan trọng để cả thế giới cam kết cùng nhau hạn chế những rủi ro có thể nhận thấy và lường trước được bởi sự biến đổi khí hậu và cùng hành động vì một môi trường sống xanh hơn.

Chất lượng không khí ở Huế luôn tốt nhờ hệ thống cây xanh dày đặc (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19). Ảnh: TUẤN KIỆT

Ở cấp độ nhỏ hơn cả về vấn đề, quy mô và cách thức nhưng trong một diễn biến có liên quan, với việc tuyên bố tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa, TP. Huế đã trở thành đô thị thứ 7 của Việt Nam và thứ 32 trên thế giới tham gia vào mạng lưới Sáng kiến các Đô thị giảm nhựa do WWF chủ trì. Giảm 30% lượng thất thoát rác nhựa vào năm 2024 là mục tiêu gần nhất được TP. Huế xác định và mục tiêu lâu dài được hướng đến là bảo vệ các dòng sông, hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương. Thông tin liên quan cho thấy, hiện rác thải nhựa ở khu vực này chiếm hơn 15,4% trong tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 407,2 tấn/ngày.

TP. Huế nói riêng và cả Thừa Thiên Huế nói chung đã có nhiều chương trình, hoạt động như “Chủ nhật xanh”, “Nói không với rác thải nhựa” với những hiệu quả nhất định. Nhưng để trở thành hệ thống và thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen của cộng đồng xã hội, việc cần có những cam kết và hành động đủ mạnh và dài lâu để không chỉ giữ một thành phố xanh, mà còn phải trở thành một nhân tố xanh tích cực trong việc xây dựng một môi trường xanh. Cũng là một dạng thức để hòa nhập vào dòng chảy đại cuộc của chống biến đổi khí hậu.

Bài: MINH HÀ - Ảnh: NGUYỄN PHONG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/can-cam-ket-manh-me-a107200.html