Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Đổi mới, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc

TTH - Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) được xem là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của MTTQ Việt Nam các cấp trong giai đoạn hiện nay.

Phong trào "Chủ nhật vì cộng đồng" do Mặt trận và các đoàn thể TP. Huế triển khai được người dân hưởng ứng tích cực

Phong trào "Chủ nhật vì cộng đồng" do Mặt trận và các đoàn thể TP. Huế triển khai được người dân hưởng ứng tích cực

Bám cơ sở

Là “điểm nóng” của dịch COVID-19, từ năm 2020 đến nay, đời sống xã hội và tư tưởng, tâm trạng của người dân huyện Phú Lộc ít nhiều bị ảnh hưởng tiêu cực. Quán triệt đường lối, chủ trương của Ðảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận từ huyện đến các xã, thị trấn đã nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với tình hình. Trong đó, chú trọng công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng kết hợp tuyên truyền, vận động người dân.

Một trong những điểm nổi bật của Mặt trận huyện Phú Lộc là huy động, tập hợp được đa dạng các tổ chức thành viên, cá nhân có uy tín như: tổ tự quản, câu lạc bộ, nhóm liên kết…; các chức sắc, tôn giáo cùng chung tay tham gia, vận động người dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, những tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị của người dân được Mặt trận từ huyện đến cơ sở lắng nghe và tổng hợp để chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tạo được lòng tin trong quần chúng Nhân dân. Điển hình, trong năm 2020 và 2021, trước những thắc mắc của người dân xung quanh việc hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, Mặt trận huyện Phú Lộc đã kịp thời tổ chức nhiều đợt giám sát việc chi trả cho đối tượng được hỗ trợ. Qua đó, kịp thời nắm bắt những thiếu sót tại cơ sở và nhanh chóng kiến nghị điều chỉnh, xử lý phù hợp, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Ông Nguyễn Văn Nhân, người dân tại thị trấn Phú Lộc chia sẻ, nhiều phản ánh của người dân từ tổ dân phố đã được cán bộ Mặt trận các cấp kịp thời giải đáp. Trong thời gian chi trả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19, không ít trường hợp đã được xác minh, giúp đỡ kịp thời nhờ sự trao đổi thông tin giữa người dân và Ban công tác Mặt trận tổ dân phố.

Với Mặt trận TP. Huế, hoạt động của mặt trận tập trung hướng mạnh về cơ sở, xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản ở các địa bàn dân cư; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động do tỉnh và thành phố phát động. Mặt trận phối hợp các đoàn thể xây dựng các mô hình nhằm cụ thể hóa cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận các cấp và thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Thành ủy và HĐND thành phố đề ra. Đoàn viên, hội viên và Nhân dân đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", "Chủ nhật vì cộng đồng", "Thành phố bốn mùa hoa", "Dân vận khéo xây dựng đô thị văn minh", "Tuyến đường, tuyến kiệt sáng, sạch, đẹp, an toàn", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"...

Tập trung các giải pháp đột phá

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, nhằm đổi mới nội dung hoạt động của Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành kế hoạch riêng để triển khai từ cuối năm 2020. Theo đó, hướng mọi hoạt động của Mặt trận về cơ sở, tập trung cho cơ sở và địa bàn dân cư; đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp; tập trung vào việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền và quan tâm giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

Tuy nhiên, nội dung hoạt động của Mặt trận các cấp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp Nhân dân của một số địa phương chưa mạnh, thiếu thường xuyên, chậm đổi mới phương thức nên hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động chưa cao. Bên cạnh đó, trong khi nội dung công việc ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, biên chế cán bộ Mặt trận các cấp lại giảm; đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở, nhất là thôn bản, tổ dân phố có trình độ không đồng đều, đa số lớn tuổi và kiêm nhiệm nên việc triển khai nhiệm vụ còn hạn chế, có lúc thiếu kịp thời đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.

Để việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQVN các cấp trong tỉnh đạt kết quả, cần đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cần mở rộng sự tham gia của các tổ chức xã hội, cá nhân tiêu biểu, thống nhất hành động trong phong trào thi đua yêu nước của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, chú trọng công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp.

Song hành với việc kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ, Ban Công tác Mặt trận tại khu dân cư cũng cần tích cực phát hiện, bổ sung những nhân tố mới, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng hoạt động.

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Thực trạng tổ chức và hoạt động của Ủy ban MTTQVN các cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay” diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Nguyễn Nam Tiến chia sẻ, việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là yêu cầu tất yếu để Mặt trận và các tổ chức thành viên bắt kịp với sự phát triển của thời đại. Mạnh dạn đổi mới sẽ giúp vai trò của Mặt trận rõ ràng hơn, xứng đáng là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-moi-nang-cao-vai-tro-cua-mat-tran-to-quoc-a106829.html