Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Nghề báo & sự bình tĩnh

TTH - Trong đời làm báo, chắc hẳn các đồng nghiệp cũng như tôi sẽ có không ít chuyện buồn vui. Việc tác phẩm của mình được độc giả đón nhận với thái độ khen, chê - âu cũng là chuyện thường tình. Điều đáng nói, bài báo viết ra đóng góp được gì cho xã hội và được dư luận quan tâm...

1. Hơn ai hết, chúng tôi là những người trong cuộc mới thấm thía “nghề báo là nghề nguy hiểm”; đó là chưa kể bị xúc phạm. Cái chính nhà báo phải tỉnh táo trong mọi tình huống, thậm chí phải nhẫn nhịn. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, tôi xin kể một vài trong số “một nghìn lẻ một” chuyện về nghề báo mà người viết bài này đã từng gặp để các đồng nghiệp cùng bạn đọc chia sẻ.

Sau khi chụp bức ảnh này, chủ khách sạn TB “phủ đầu” nhà báo bằng những lời lẽ vô văn hóa

Sau khi chụp bức ảnh này, chủ khách sạn TB “phủ đầu” nhà báo bằng những lời lẽ vô văn hóa

Tôi còn nhớ như in, đó là ngày thứ sáu (30/5/2008). Đang trên đường đi công tác ra Quảng Điền, tôi nhận được cuộc điện thoại: “Đúng 22 giờ tối nay, BQ có mặt tại Công an TP. Huế để cùng đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất một số khách sạn có dấu hiệu trốn thuế trong thời gian qua theo Chỉ thị 07 UBND tỉnh, với điều kiện nhà báo không được tiết lộ thông tin này cho bất cứ ai”. Tôi cảm ơn người đã cung cấp thông tin và sẵn sàng nhận nhiệm vụ, bởi đây là lĩnh vực của tôi phụ trách và cũng là đề tài mà tôi theo đuổi khá lâu.

Khoảng 22 giờ kém tối hôm đó, tôi và hai đồng nghiệp (nhà báo LP và NH) ở TRT cùng có mặt tại Công an TP. Huế. Sau khi nghe các vị trong đoàn kiểm tra liên ngành gồm công an, thuế... trình bày phương án “tác chiến” là sẽ “đột nhập” kiểm tra bất ngờ khách sạn TB, tôi và hai đồng nghiệp cùng đoàn “xuất quân”.

Chúng tôi vào khách sạn TB - “địa chỉ” cần kiểm tra theo yêu cầu. Trong lúc đoàn kiểm tra liên ngành đang làm nhiệm vụ, tôi đưa máy ảnh để kịp ghi hình. Chủ khách sạn TB lớn tiếng: “Tụi bay ở báo, đài nào mà dám ghi hình, chụp ảnh ở đây…”. Thấy tôi cùng hai đồng nghiệp không nói gì, anh ta càng lấn tới: “Đóng cửa và nhốt thằng vừa mới chụp hình lại cho tao…”. Tôi cố ghìm lòng mình trước những lời nói và sự xúc phạm đến vô văn hóa của một giám đốc khách sạn. Đoạn ông ta đòi đập vỡ máy ảnh của nhà báo, tôi bình tĩnh trả lời: “Ông cứ tự nhiên... nếu cảm thấy mình muốn chống đối người thi hành công vụ”. Tất nhiên ông ta không dám bởi thái độ cứng rắn của tôi. Đoàn tiếp tục thi hành công vụ.

Phóng viên tác nghiệp tại Festival Huế 2018

Phóng viên tác nghiệp tại Festival Huế 2018

Tại thời điểm kiểm tra, khách sạn TB có tổng số 34 phòng, có khách lưu trú 27 phòng, với tổng số 56 khách. Trong khi đó, khách sạn này chỉ vào sơ đồ 21 phòng, với 39 khách và đăng ký với cơ quan công an 31 khách; còn lại 6 phòng, với 17 khách không vào sơ đồ phòng và 25 khách không đăng ký với cơ quan công an theo quy định hiện hành. Sự khuất tất trong kê khai phòng, khách ở lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ tư nhân lâu nay cố che dấu nhằm trốn thuế đã được phơi bày. Khách sạn TB chỉ là một trong những trường hợp điển hình mà cánh báo chí chúng tôi tận mắt chứng kiến. Cũng chính điều này mà chủ khách sạn TB xúc phạm chúng tôi, những người làm báo chân chính.

Đêm đã khuya. Lòng tôi cảm thấy lắng lại. Dường như đọc được ý nghĩ của tôi lúc này, Trung tá Lê Xuân Hương thuộc Đội Quản lý trật tự xã hội Công an TP. Huế, một trong những người chứng kiến tường tận sự việc xảy ra buổi tối hôm ấy động viên: “Các nhà báo đã xử lý tình huống như hôm nay là hết sức bình tĩnh, nếu không muốn nói là quá nhẫn nhịn. “Cuộc chiến” chống thất thu ngân sách Nhà nước trong kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ tư nhân trên địa bàn còn lắm gian nan. Có các nhà báo đi cùng mới hiểu được công việc của chúng tôi”. Tôi cảm thấy vui khi bên cạnh mình có người đồng cảm và chia sẻ.

2. Khoảng 22h vào một đêm “đẹp trời”, một vị giám đốc ngành T điện thoại cho tôi: “Ông BQ phải không? “Dạ BQ đây” - tôi trả lời. “Ông đừng nghĩ mình là nhà báo ưa viết gì thì viết nhé”. Tôi hỏi lại: “Anh nói gì tôi chưa hiểu”. Vị này đáp: Ai cung cấp số liệu cho ông viết bài báo “Nợ đọng thuế dai dẳng”? Nhưng bài báo có chính xác không anh?” - tôi đáp. Vị giám đốc đầu ngành ấy “phủ đầu” tôi: Nếu cần ngày mai tôi sẽ “phát” văn bản cho tỉnh trước và “phát” văn bản cho Tổng Biên Tập của anh sau… Tôi tự tin trả lời: Việc của anh thì anh cứ làm và việc của tôi thì tôi vẫn làm, vì tôi thấy mình không sai…

Gần nửa năm, tôi bị “phong tỏa” thông tin về ngành đó vì các trưởng, phó phòng ngành T cho tôi hay “sếp” cấm tuyệt đối cung cấp thông tin cho các nhà báo, trong đó có tôi. Thú thật, tôi thất thế trong việc tiếp cận thông tin tuyên truyền về ngành mình đảm trách…

Lại một ngày “đẹp trời” chính vị giám đốc ấy gọi điện thoại cho tôi và bảo: Chiều nay BQ rảnh không kiếm chỗ nào ngồi với nhau tí. Tôi cũng hơi bất ngờ và nhận lời. Gặp nhau tay bắt mặt mừng và câu đầu tiên vị này thanh minh: Chuyện vừa qua, mình hơi nóng, tất cả vì công việc, BQ thông cảm… Và tôi cũng trả lời ngay: Em cũng vì công việc thôi. Sau đó, tôi được “cơ chế” gọi những người cần gọi trong bữa gặp mặt hôm đó.

Tôi liền nhấc điện thoại gọi cho một số phó, trưởng phòng của ngành T - những người về lâu dài sẽ cung cấp thông tin cho mình mỗi khi cần đến và có dịp giải tỏa những ấm ức mà gần nửa năm qua không thể tỏ cùng ai.

Dịp 21/6 năm đó, bài điều tra về nợ đọng thuế, thất thu ngân sách của tôi đạt Giải Báo chí tỉnh lần thứ nhất. Tôi có thêm niềm vui và tự hào với nghề nguy hiểm của mình...

Bài: BẠCH QUANG - Ảnh: ĐỨC QUANG - BQ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nghe-bao-su-binh-tinh-a114366.html