Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Sáp nhập hiệu quả từ sự đồng thuận
Từ chỗ còn những nghi ngại, thắc mắc, cuối cùng hầu hết người dân ở các thôn cần sáp nhập ở huyện Phú Vang đều nhất trí với chủ trương sáp nhập.
Nỗ lực
Đang vào mùa gặt. Trên đồng ruộng xã Phú Hồ, một xã thuần nông của huyện Phú Vang, những chiếc máy gặt làm việc hết công suất. Tại khu vực sinh hoạt cộng đồng, dưới cái nắng gay gắt, nhiều hộ mải miết cào trở lúa. Có người trở xong lúa nhà mình lại sang cào giúp cho hộ khác. Ông Bùi Quang Đấu, Trưởng thôn Tây Hồ phấn khởi: Những hộ này trước đây ở các thôn khác nhau. Người ở thôn Trung An, người ở thôn Trung Chánh. Nhưng bây giờ Trung An, Trung Chánh, Nam Dương, Trung Đỗ, cả 4 thôn đã nhập lại thành thôn Tây Hồ. Đã là "người cùng nhà" nên mọi người sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau.
“Còn nhớ hơn nửa năm trước, nhiều người dân nghi ngại, không muốn sáp nhập thôn. Họ ngại thay đổi về địa chỉ trong giấy tờ tùy thân, sợ có ảnh hưởng đến hoạt động văn hóa tâm linh. Hay địa bàn rộng quá, khi thiên tai lũ lụt bị chia cắt, sự điều hành ứng phó không kịp thời; ngại việc đêm hôm đi họp thôn đường xa hơn... Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc họp dân để giải thích cụ thể từng vấn đề; kiên nhẫn vận động tại cuộc họp, “ngoài hành lang” khi cùng dự đám cưới, đám giỗ, rồi về tận nhà… Những khó khăn dần được tháo gỡ. Cuối cùng, 100% ý kiến nhất trí sáp nhập 4 thôn thành thôn Tây Hồ”- ông Bùi Quang Hùng- Bí thư Chi bộ thôn Tây Hồ chia sẻ.
Với cách làm đó, sau khi UBND huyện Phú Vang ban hành kế hoạch triển khai sáp nhập thôn vào tháng 10/2018, Phú Hồ vận động, sáp nhập thành công 8 thôn còn 3 thôn. Xã Phú Lương nỗ lực triển khai hiệu quả, sáp nhập từ 10 thôn còn 3 thôn. 6 xã, thị trấn (Phú Đa, Phú Hồ, Phú Mậu, Phú Lương, Vinh Hà, Vinh Phú) trên địa bàn huyện đã sáp nhập 31 thôn, tổ dân phố (TDP), để thành lập 13 thôn, TDP, giảm 18 thôn, TDP. Thôn An Hạ thuộc xã Phú Xuân được dân đồng thuận, đã chuyển sang xã Phú Mỹ, để phù hợp với địa giới hành chính đang quản lý.
Việc sáp nhập giúp giảm 108 người hoạt động không chuyên trách. Nguồn kinh phí tiết kiệm tương ứng là 1.297,70 triệu đồng/năm; tiết kiệm thêm 73 triệu đồng/năm kinh phí phân bổ hàng năm cho các thôn, TDP. Bà Nguyễn Thị Thu Sương, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Vang cho biết, ngoài 31 thôn, TDP nêu trên, trước đó vào năm 2015 khi chủ trương ở giai đoạn khuyến khích, Phú Vang đã sáp nhập thành công 8 thôn còn 4 thôn tại các xã Vinh Phú, Vinh Thái, Phú Thanh, Phú Mậu. Năm 2018, công tác này được đẩy mạnh. Tổng giảm trên địa bàn huyện là 22 thôn. Mới đây xã Vinh Thái sáp nhập 2 thôn. Công tác sáp nhập đang tiếp tục thực hiện khẩn trương.
Vận động để tạo đồng thuận
Theo ông Lê Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang: Tháng 9/2018, Huyện ủy Phú Vang ban hành chỉ thị đẩy mạnh công tác sáp nhập thôn, TDP có quy mô nhỏ để thành lập thôn, TDP mới, với tinh thần đảm bảo các thôn, TDP thực hiện sáp nhập có vị trí liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt phức tạp, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của Nhân dân. Các thôn sáp nhập có lịch sử hình thành từ 1 làng trước đây, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý dân cư của chính quyền cơ sở và hoạt động của thôn, TDP.
Trên cơ sở đó, tháng 10/2018, UBND huyện Phú Vang đã ban hành kế hoạch triển khai sáp nhập thôn và triển khai đến chủ tịch UBND các xã, thị trấn có liên quan để lập đề án sáp nhập; mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết phải sắp xếp lại thôn, TDP.
Tại các địa bàn có sáp nhập, cán bộ cốt cán các thôn tổ chức họp thảo luận nhiều lần về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình sáp nhập và sau khi sáp nhập; nhìn thẳng vào khó khăn của những cán bộ sẽ không còn ở vị trí cũ; vận động những người này nêu cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên, công dân, hết lòng hỗ trợ, phối hợp “người mới”; đồng thời vận động trưởng các họ tộc, những người có uy tín để vận động các tầng lớp nhân dân.
“Bây giờ không còn là trưởng thôn, nhưng nhờ hiểu biết mọi “chân tơ kẽ tóc” trên địa bàn, từng hoàn cảnh mỗi gia đình, tôi và những trưởng thôn của Trung An, Trung Chánh, Nam Dương, Trung Đỗ cũ hết lòng phối hợp với trưởng thôn Tây Hồ (mới thành lập), giúp công việc trôi tròn, bà con yên tâm sản xuất làm ăn”- ông Dương Văn Long Trưởng thôn Nam Dương cũ khẳng định.
Ông Lê Văn Đức ở thôn Lê Xá (mới thành lập từ 3 thôn Lê Đông, Lê Xá Tây, Lê Xá Trung) và nhiều người dân xã Phú Lương bộc bạch: Sau khi được cán bộ các cấp, những bậc cao tuổi có uy tín tại địa phương khẳng định, dù nhập thôn nhưng văn hóa tâm linh của mỗi làng vẫn giữ nguyên, không thay đổi. Đồng thời, mấy tháng qua chứng kiến lực lượng cán bộ dù giảm, nhưng tất cả mọi hoạt động tại địa phương vẫn được điều hành suôn sẻ, an ninh đảm bảo tốt nên người dân thực sự yên tâm.
Một số người dân có “tâm tư” không muốn mất hẳn tên thôn cũ, như ở xã Phú Xuân khi tiến hành sáp nhập 2 thôn Lê Bình và Quảng Xuyên; một số sai sót xảy ra khi về hộ gia đình lấy ý kiến, đã được lãnh đạo cấp huyện, xã rút kinh nghiệm, chấn chỉnh.
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/sap-nhap-hieu-qua-tu-su-dong-thuan-a76391.html