Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Tiếp sức học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường

TTH - Nửa cuối năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh, thiên tai liên tục xảy ra đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống kinh tế của các gia đình nghèo. Vì thế trẻ em sống trong các gia đình này tiềm ẩn nguy cơ bỏ học rất cao.

Tặng xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Tặng xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Hai chị em Nguyễn Bùi Thị Thảo và Nguyễn Bùi Thị Thu (huyện Quảng Điền) đang học lớp 8. Bố mẹ là nông dân, gia đình thuộc hộ nghèo, thu nhập cũng chỉ đủ cầm cự qua ngày. Khó càng thêm khó, khả năng lao động của mẹ và khả năng giao tiếp, tiếp thu của Thảo cũng bị hạn chế. “Nhà em nghèo lắm. Mẹ và em lại bệnh nên không giúp đỡ được cho bố nhiều. Em muốn đi học lắm, nhưng muốn ở nhà làm thêm để phụ giúp cho gia đình”, Thu bộc bạch.

Có chung hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, em Hồ Đức Huy (huyện Phong Điền) gia đình em thuộc hộ nghèo, bố mẹ em không có thu nhập ổn định. Bản thân em bị khuyết tật vận động, mắc bệnh tim và thận. “Qua tìm hiểu của Hội, tiền chữa bệnh cho em bố mẹ đã phải xoay sở vất vả, giờ còn lo cả tiền học phí cho con đi học, thật sự rất nan giải”, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ về trường hợp của Đức Huy.

Những trường hợp khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học như Huy, Thảo, Thu không phải là ít. Do khó khăn về kinh tế, cha mẹ không đủ điều kiện chi trả học phí và các khoản chi phí liên quan đến học tập. “Kinh tế của các gia đình nghèo không thể kham nổi những chi phí cho cuộc sống hàng ngày, nói gì đến chi trả cho việc học tập của con cái, nên các gia đình thường chọn giải pháp để con nghỉ học, giảm chi phí mà gia đình phải gánh chịu”, bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phân tích.

Trẻ em bỏ học sớm có nguy cơ trở thành những lao động trẻ em, phải làm những công việc không phù hợp với độ tuổi, vừa gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần, vừa giảm cơ hội học tập, còn gia đình và xã hội sẽ thiếu lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai. “Theo kết quả thống kê, trên toàn quốc hiện có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên, độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi là lao động trẻ em, tương ứng với hơn 1 triệu trẻ em đang tham gia lao động”, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh thông tin.

Để động viên các em tiếp tục theo đuổi con chữ, tiếp tục nỗ lực học tập để “thoát nghèo”, vừa qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã phối hợp với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation) và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Nam Đông thực hiện chương trình “Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học”. Với tổng kinh phí hơn 203 triệu đồng, chương trình đã hỗ trợ 45 chiếc xe đạp và 100 suất học bổng trị giá mỗi suất là 1 triệu đồng dành cho 100 em học sinh THCS có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học trên địa bàn ba huyện nói trên.

“Trong năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 và những trận bão lụt đặc biệt là các vùng miền núi và vùng thấp trũng ven biển. Trong đó Nam Đông, Phong Điền và Quảng Điền là những huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão lụt, nhiều nhà cửa bị hư hỏng nặng nề, trồng trọt chăn nuôi bị mất trắng. Do vậy, bước đầu chúng tôi hỗ trợ khẩn cấp cho các em tại ba địa phương này, nhằm giúp đỡ, động viên các em tiếp tục đến trường, đồng thời chia sẻ những khó khăn với gia đình của các em. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh và chính quyền địa phương để tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ cho trẻ em ở những địa bàn khác trong tỉnh”, đại diện Tổ chức trẻ em Rồng Xanh cho hay.

Hiện nay, số gia đình khó khăn và số trẻ em có nguy cơ bỏ học vẫn còn nhiều. Do đó, các em cần rất nhiều sự hỗ trợ từ các cá nhân, nhà trường, gia đình và toàn xã hội để bảo đảm mọi trẻ em đều được đi học.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tiep-suc-hoc-sinh-co-hoan-canh-kho-khan-den-truong-a105316.html