Chính trị - Xã hội Đã thấy áp lực
Đi xa hơn một chút, hoặc kiếm một chỗ nào rộng rãi, có thể ở ngoại ô là điều mà chúng tôi thường nói với nhau. Lý do đôi khi đơn giản là để có một chỗ đậu xe tương đối thoải mái. Tuy nhiên, áp lực xung quanh việc đậu/đỗ xe ở các điểm trung tâm TP. Huế không chỉ dừng lại ở những lúc cần tiếp khách, hội họp, thư giãn, tổ chức tiệc mừng… mà đến ngay trong những nhu cầu hàng ngày. Chẳng hạn như nếu không rời nhà được sớm hơn trước 7h30 sáng, tôi sẽ mua tạm một ổ bánh mì, hoặc đôi khi chấp nhận không ăn sáng cho kịp giờ họp. Trong khoảng khung giờ ấy, tuyến đường Nguyễn Huệ, Trần Thúc Nhẫn, Phan Bội Châu và một phần đầu đường Phan Đình Phùng gần như không còn chỗ để có thể dừng tạm ô tô của mình cho kịp một tô phở/bún nóng…
Thực ra, những chuyện thuộc về sinh hoạt đời thường, chúng ta có thể tự mình thu xếp được. Nếu nhìn ở không gian chung, và cho dù hiện mới chỉ là cục bộ, nhưng áp lực của tình trạng kẹt, ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm đã xuất hiện với mật độ nhiều hơn, dày hơn trên địa bàn thành phố. Điều này có thể ghi nhận ở các nút giao thông cầu Phú Xuân - Lê Lợi - Hà Nội, bùng binh giao lộ đối diện Melia Vinpearl Huế, nút giao thông giữa Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Riết rồi thời gian gần đây, nhiều người đã “né” bằng cách đi vòng các đường khác để đến nơi muốn đến, cho dù xa hơn, nhưng có thể đến nơi nhanh hơn!
Huế đang thiếu các bãi/điểm đỗ xe. Điều này có thể nhận thấy khi xe ô tô của người dân đậu bên đường rất nhiều, nhất là ở các khu vực đông dân cư. Áp lực này đẩy áp lực khác. Đó là khi các hộ dân sống bên mặt đường bức xúc, không ít lần bất hòa và than phiền trên mạng xã hội khi việc đậu xe của người khác cản trở đến giao thông, đến tầm nhìn và đôi khi ảnh hưởng đến sinh kế của các hộ dân bên đường…
Tôi không có số lượng xe ô tô cá nhân hiện có tại địa bàn nơi mình sinh sống, nhưng bằng cảm quan, có thể thấy được sự tăng thêm ngay từ cơ quan mình và các cơ quan lân cận, từ người thân, bạn bè… Thị trường ô tô của cả nước vượt ngưỡng 500.000 xe trong năm 2022 là thông tin mà tôi có khi tìm kiếm về vấn đề này. Theo dự kiến, thị trường này có thể đạt quy mô từ 700.000 - 800.000 xe/năm vào năm 2025, và trên 1 triệu xe/năm vào năm 2030. Có lẽ cũng là điều đương nhiên khi đó là nhu cầu của người sử dụng. Thêm vào đó có những dòng xe vừa túi tiền mà những người có thu nhập trung bình có thể đầu tư để phục vụ cuộc sống.
Thị trường này hiện đang được đánh giá là không gian lý tưởng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển. Nhưng nếu không xử lý hài hòa giữa thực tế và phát triển, đây cũng sẽ là không gian tạo ra những xung đột về giao thông do những bất cập từ hạ tầng.
Chưa có cơ chế thích hợp, các nhà đầu tư chưa mặn mà… là những lý do mà việc xã hội hóa các bãi đỗ xe nhằm giải quyết giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố. Thế nên, ngoài bến xe Nguyễn Hoàng, điểm đỗ tại công viên Kim Đồng, có vẻ như chưa có một nơi đủ rộng nào khác…?
Đó sẽ là những áp lực tăng thêm trong thời gian tới?
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/da-thay-ap-luc-a124811.html