Chính trị - Xã hội Pháp luật - Cuộc sống 'Bài học' khi giao dịch tiền với các đối tượng không rõ lai lịch trên mạng

TTH - Rửa tiền - hành vi phạm tội 'tiếp tay' cho tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chắc chắn bị pháp luật hình sự xử lý nghiêm. Tuy nhiên nạn nhân trong vụ án khó có thể lấy lại được tài sản.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh nhận đơn của chị CTNH và anh TNH trình báo việc bị một số đối tượng người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt số tiền 3.933.493.716 đồng.

Chị H. kết bạn qua mạng facebook với người đàn ông tự xưng tên Frederik Hannes (chưa xác định được họ tên, lai lịch, địa chỉ). Ferderik Hannes nói với chị H. là đang tham gia dự án xây dựng một trung tâm thương mại tại tỉnh Phuket, Thái Lan, đặt vấn đề mượn tiền của chị H. và hứa hẹn nếu chị H. cho mượn tiền thì sẽ trả lại đầy khi dự án được thông qua và sẽ tăng thêm 10% số tiền đã mượn.

Chị H. đã 5 lần chuyển tiền cho Ferderik Hannes mượn, vào tài khoản NAWARAT PHIWKHAO, mở tại ngân hàng Kasikornbank Public Company Limited tại Thái Lan; tài khoản Nguyễn Văn Công, mở tại ngân hàng Sacombank; tài khoản Trần Thị Phương Chi, mở tại ngân hàng Công thương; tài khoản Nguyễn Văn Xuân Hồng, mở tại ngân hàng Vietinbank.

Frederik Hannes tiếp tục mượn chị H. tiền. Do không còn tiền, nên chị H đã đưa cho Frederik Hannes số điện thoại của anh TNH (là bạn chị H., đã nhiều lần chuyển hộ tiền của chị H cho Frederik Hannes) để liên hệ vay tiền. Anh H. đồng ý cho vay, sau đó cùng chị H. 4 lần chuyển tiền cho Frederik Hannes.

Sau 9 lần chuyển tiền, chị H. và anh H. đã chuyển cho Frederik Hannes tổng cộng 3.933.493.716 đồng. Trong đó, chị H. chuyển 1.474.130.000 đồng. Phần của anh H. là 2.459.363.716 đồng.

Cơ quan điều tra đã xác minh tài khoản cá nhân của Frederik Hannes trên facebook, phát hiện tài khoản này có địa chỉ IP từ nước ngoài, không rõ người đã quản lý, sử dụng là ai, các dữ liệu liên lạc trên phần mềm Whatsapp có liên quan đều đã bị xóa bỏ. Căn cứ vào các giao dịch chuyển tiền cũng không xác định được đối tượng đã trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo rồi chiếm đoạt tiền của chị H. và anh H. Nhưng cơ quan điều tra đã phát hiện ra một số đối tượng có hành vi chuyên nhận rút tiền do người khác phạm tội mà có, để thu lợi bất chính. Đó là 5 đối tượng Nnaka Chibuzor Frankline; Nnaemeka Samuel Ugochukwu; Ngô Hải Nghi; Umeh Stanley Chidiebere; Vũ Ái Linh; Phạm Ngọc Duy.

Nnaka Chibuzor Frankline là người Nigieria nhập cảnh vào Việt Nam. Đối tượng này làm quen với đối tượng tên Mandela (chưa xác định được họ tên, quốc tịch, địa chỉ) qua phần mềm Whatsapp. Mandela yêu cầu Nnaka Chibuzor Frankline liên lạc với Nnaemeka Samuel Ugochukwu (người Nigieria nhập cảnh vào Việt Nam), để tìm cách mở các tài khoản ngân hàng, nhằm nhận và rút tiền do nhóm của Mandela chuyển vào, sau đó rút tiền mặt chuyển lại cho Mandela (qua các đối tượng mà Mandela cử đến), để nhận phần trăm.

Nnaemeka Samuel Ugochukwu và Ngô Hải Nghi chung sống với nhau tại TP. Hồ Chí Minh. Nnaemeka Samuel Ugochukwu hướng dẫn Nghi lên mạng internet đặt mua 2 giấy chứng minh nhân dân giả, đến các ngân hàng mở tài khoản ngân hàng. Sau khi có tài khoản ngân hàng, Nnaemeka Samuel Ugochukwu và Nghi đã thực hiện rút tiền cho các đối tượng người nước ngoài phạm pháp có được, để hưởng phần trăm. Tương tự, Umeh Stanley Chidiebere và Vũ Ái Linh (có mối quan hệ yêu đương) cũng đã thực hiện hành vi đi rút tiền cho các đối tượng phạm tội mà có.

Phạm Ngọc Duy mua trên mạng internet các tài khoản ngân hàng, bán lại kiếm lời. Qua phần mềm Whatsapp, Duy làm quen với một người tên Monies (chưa xác định được họ, tên, địa chỉ) và đã nhiều lần bán tài khoản ngân hàng cho Monies, thu lợi. Duy khai được Monies thuê đi rút tiền mặt bằng các thẻ ngân hàng do Monies quản lý để nhận tiền công là 2%.

Chị H. và anh H. đã chuyển vào tài khoản mang tên Nguyễn Văn Xuân Hồng tổng số tiền 3.154.363.716 đồng. Cơ quan điều tra xác định đây là tài khoản mà Duy đã mua trên mạng, sau đó bán lại cho Monies quản lý, sử dụng. Sau khi chị H. anh H. chuyển tiền vào tài khoản thì Monies đã báo cho Duy để rút tiền mặt đem về hoặc chuyển tiền từ tài khoản này đến các tài khoản khác, để Duy đi rút tiền mặt. Toàn bộ số tiền rút được (3.153.420.000 đồng), Duy đã chuyển cho Monies thông qua Emeka, Duy hưởng lợi 63 triệu đồng.

Chị H. chuyển cho Frederik Hannes (đối tượng nêu ở phần đầu) 470 triệu đồng qua tài khoản Trần Thị Phương Chi (số tài khoản mà Nghi và Nnaemeka Samuel Ugochukwu mở rồi giao cho Nnaka Chibuzor Frankline quản lý). Số tiền này Nnaka Chibuzor Frankline chuyển vào các tài khoản do các bị can trong vụ án mở, sau đó điện báo cho Nnaemeka Samuel Ugochukwu đi rút tiền về giao lại. Sau khi giữ lại tiền phần trăm, các bị can đã chuyển tiền cho các đối tượng không xác định được lai lịch, địa chỉ.

Quá trình điều tra, Nnaka Chibuzor Frankline, Nnaemeka Samuel Ugochukwu, Ngô Hải Nghi, Umeh Stanley Chidiebere, Vũ Ái Linh và Phạm Ngọc Duy đều thừa nhận hành vi phạm tội. Duy đã tích cực hợp tác, giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm trong quá trình giải quyết vụ án, đồng thời khắc phục một phần hậu quả do hành vi phạm tội đã gây ra cho chị H. và anh H. số tiền 30 triệu đồng. Trong vụ án này, các đối tượng có dấu hiệu trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Frederk Hannes, Mandela, Monies, Emeka… đều chưa xác định được lai lịch, địa chỉ nên Cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục điều tra xác minh.

Cả 5 đối tượng nêu trên đều bị truy tố về tội “Rửa tiền” và sẽ bị pháp luật xử lý thích đáng. Tuy nhiên nạn nhân trong vụ án khó có thể lấy lại được tài sản. Đây là “bài học” đắt giá, rằng mọi người cần cảnh giác, tránh bị trở thành “con mồi” khi làm quen, đặc biệt là giao dịch tiền bạc với những đối tượng trên mạng, người nước ngoài không rõ lai lịch.

Quỳnh Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/bai-hoc-khi-giao-dich-tien-voi-cac-doi-tuong-khong-ro-lai-lich-tren-mang-a103215.html