Chính trị - Xã hội Pháp luật - Cuộc sống Ngăn chặn săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã: Chưa có hồi kết

TTH - Tính riêng trong năm 2021 và những tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng bắt giữ và xử lý hàng chục vụ vi phạm về tàng trữ, mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép; tịch thu 163 cá thể thông thường và 10 cá thể quý, hiếm thuộc nhóm IB, IIB, hàng chục kg thịt rừng cấp đông...

Lực lượng kiểm lâm tiếp nhận chăm sóc các cá thể khỉ quý hiếm từ một nhà chùa ở TP. Huế

Lực lượng kiểm lâm tiếp nhận chăm sóc các cá thể khỉ quý hiếm từ một nhà chùa ở TP. Huế

Chưa triệt để

Hàng loạt sự việc người dân báo tin, tự nguyện giao nộp ĐVHD cho kiểm lâm trong thời gian gần đây cho thấy nhận thức bảo vệ ĐVHD có nhiều tiến bộ. Chỉ trong vài năm gần đây, có đến hàng trăm cá thể động vật rừng được ngành kiểm lâm cứu hộ, chăm sóc, thả về môi trường tự nhiên.

Cuối năm vừa rồi, lực lượng kiểm lâm phối hợp với công an kiểm tra, phát hiện tại nhà hàng Việt Lào, xã Lâm Đớt (A Lưới) tàng trữ một cá thể dúi, một cá thể cầy vòi hương và ba cá thể rùa còn sống không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Cùng thời điểm tại nhà hàng Phố Núi, thị trấn Khe Tre (Nam Đông), lực lượng chức năng phát hiện một cá thể chồn mỡ, ba cá thể kỳ nhông… đều không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp.

Trước đó, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã phát hiện các đối tượng mang theo súng săn tự chế và nhiều sản phẩm ĐVHD gồm: hai cá thể chồn bay, một cầy hương, sáu cái đầu và ba thân linh trưởng đã bị giết chết.

Cơ quan chức năng cũng đã xử phạt hành chính nhiều vụ săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ và tàng trữ ĐVHD, trong đó một số vụ khởi tố hình sự, phạt tù. Lực lượng kiểm lâm trong các chuyến tuần tra, truy quét đã xua đuổi nhiều đối tượng nghi vấn và tháo gỡ nhiều dụng cụ săn bẫy động vật rừng. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân các địa phương như Nam Đông, A Lưới… tình trạng lén lút săn bắt, giết thịt ĐVHD vẫn tái diễn.

Bà Nguyễn Thúy Hằng - Trưởng Hợp phần về giảm nhu cầu tiêu thụ ĐVHD thuộc Ban Quản lý DA Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh (VFBC) chia sẻ, qua khảo sát, đánh giá về thực trạng săn bắt ĐVHD trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó kể đến một số nguyên nhân chính, đó là thói quen sử dụng thịt và các sản phẩm ĐVHD của một bộ phận người Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng có từ xưa. Hiện nay, dù không phải thiếu nguồn đạm động vật, nhưng thói quen này vẫn duy trì.

Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có nhiều biện pháp răn đe, ngăn chặn và tuyên truyền nâng cao nhận thức nhưng một bộ phận người dân còn thiếu hiểu biết đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ các loài ĐVHD. Nhiều người nghĩ rằng, cấm ăn thịt thú rừng chỉ áp dụng đối với các loài trong danh mục nguy cấp, quý hiếm, còn lại có thể giết thịt, sử dụng. Một số người có thể hiểu biết về phát luật nhưng vẫn cố tình vi phạm săn bẫy, buôn bán, vận chuyển, sử dụng thịt và sản phẩm ĐVHD cho nhiều mục đích khác nhau.

Một bộ phận người dân vùng đệm, sống xung quanh khu vực rừng vẫn còn phụ thuộc vào việc khai thác sản phẩm rừng để sinh sống. Khi chưa có nhận thức đúng đắn và chưa có sinh kế, nguồn thu nhập ổn định để thay thế thì họ vẫn tiếp tục hoạt động săn bẫy ĐVHD trái phép. Trong khi đó, công tác truyền thông về bảo vệ, bảo tồn ĐVHD được chính quyền các địa phương quan tâm nhưng mức độ hạn chế nên thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân và toàn xã hội.

Nhiều loài nguy cơ tuyệt chủng

Theo sách đỏ Việt Nam, hiện nay trên cả nước có hàng trăm loài ĐVHD thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ. Ở Thừa Thiên Huế có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm nằm trong danh sách này như cheo cheo Nam Dương, mang lớn, voọc chà vá chân nâu, gà lôi lam mào trắng, rùa hộp trán vàng... Đa phần các loài này đều đang ở mức nguy cấp, bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn khẳng định, hoạt động ngăn chặn hành vi vi phạm về bảo vệ, bảo tồn ĐVHD luôn được các cấp, ngành quan tâm và triển khai quyết liệt. Gần đây có hàng chục vụ vi phạm được phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật; nhiều cá thể động vật rừng, trong đó có động vật quý hiếm, nguy cấp được cứu hộ, tái thả về môi trường hoang dã. Tuy nhiên tình trạng người dân lén lút săn bắt, giết thịt, mua bán ĐVHD vẫn tái diễn. Hoạt động tuần tra, truy bắt đối tượng, tháo gỡ bẫy thú đối với lực lượng kiểm lâm, cơ quan chức năng vẫn chưa có hồi kết.

Bà Nguyễn Thúy Hằng cho rằng, để ngăn chặn nạn săn bắt, bẫy ĐVHD hiệu quả cần sự tham gia của nhiều ban ngành, chính quyền địa phương và người dân. Việc này đòi hỏi các giải pháp tổng thể liên quan đến cải thiện công tác thực thi pháp luật, giải quyết sinh kế bền vững cho các cư dân sống gần rừng, các khu bảo tồn đa dạng sinh học; kết hợp truyền thông để toàn xã hội cùng lên án mạnh mẽ hành vi sử dụng, tiêu thụ thịt thú rừng, chim hoang dã và các sản phẩm từ ĐVHD.

Hiện nay Hợp phần về giảm nhu cầu tiêu thụ ĐVHD thuộc DA VFBC do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đang triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế với mục tiêu góp phần hạn chế tối đa, từng bước ngăn chặn triệt để tình trạng săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD. Từ những ngày cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, DA tổ chức chiến dịch truyền thông tại vùng đệm với 20 sự kiện, hơn 600 người tham gia. Các chuyên gia truyền đạt kiến thức, nâng cao nhận thức và hiểu biết cho nhóm cộng đồng vùng đệm về bảo tồn ĐVHD. Đồng thời cảnh báo nguy cơ các đại dịch có nguồn gốc từ ĐVHD, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh kế khi con người tham gia hoạt động săn bắt, giết thịt, vận chuyển, sử dụng sản phẩm từ ĐVHD.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ngan-chan-san-bat-tieu-thu-dong-vat-hoang-da-chua-co-hoi-ket-a111830.html