Chính trị - Xã hội Pháp luật - Cuộc sống Việc sửa đổi quyền sở hữu trí tuệ không xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng

Thực hiện Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 28/3, Hội nghị thảo luận, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại hội nghị

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại hội nghị

Trước đó, tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ… nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Thảo luận tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tán thành với việc giao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước tại Điều 86 và Điều 86a của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi bổ sung theo khoản 38,39, Điều 1 của dự thảo luật đã được UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý và luận giải.

Bà Sửu cũng tán thành về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2, điều 7. Nội dung được sửa đổi như sau: “Việc sửa đổi quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân được thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”. Theo bà Sửu, Hiến pháp là sự hiến định cao nhất của nước ta, việc sửa đổi nội dung này để bổ sung những hạn định, thực hiện tốt theo luật về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Tại khoản 1, 2 tại Điều 28 của dự thảo luật nêu về hành vi xâm phạm quyền tác giả, có hai nội dung, một là xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của luật này; hai là xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật này. Bà Nguyễn Thị Sửu nói, với Dự thảo sửa đổi khoản 1, 2 tại Điều 28 như trên sẽ dẫn đến hệ quả, nếu bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả phải xâm phạm đến tất cả quyền nhân thân tại Điều 19 và tất cả các quyền tài sản tại Điều 20 của luật. Vô hình chung thực thế không thể áp dụng khoản 1 và 2 Điều 28 trong dự thảo luật để giải quyết hành vi xâm phạm quyền tác giả.

“Theo tôi nên sửa đổi lại là, khoản 1: Xâm phạm một trong các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật này. Khoản 2: Xâm phạm một trong các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”, bà Sửu phát biểu.

Đối với Quy định về tính mới của sáng chế tại Điều 60, để mang tính toàn diện, bà Nguyễn Thị Sửu đề nghị cần sửa đổi thêm khoản 2 Điều 60 theo hướng giải thích rõ đặc điểm của những người giới hạn được biết ở đây là gì...

Tại điểm h khoản 2 Điều 74 dự án Luật quy định: “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác đã được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá 3 năm, trừ trường hợp đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định của Luật này do nhãn hiệu đã không được sử dụng 5 năm liên tục mà không có lý do chính đáng”

Bà Sửu cho rằng, theo quy định trên, có thể hiểu nếu một nhãn hiệu đăng ký sau bị xem là trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự (“nhãn hiệu đối chứng”), thì nhãn hiệu đăng ký sau vẫn được xem là có khả năng phân biệt và được chấp nhận bảo hộ với điều kiện nhãn hiệu đối chứng đó đã chấm dứt hiệu lực quá 3 năm. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể như thế nào thì nhãn hiệu đăng ký sau đáp ứng điều kiện nêu trên, cụ thể là: nhãn hiệu đăng ký sau có bắt buộc phải có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên muộn hơn thời điểm nhãn hiệu đối chứng chấm dứt hiệu lực 3 năm hay không? Điều này dẫn đến những cách áp dụng khác nhau ở các khoảng thời gian khác nhau, gây nhiều bối rối cho người nộp đơn và những người có liên quan.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV diễn ra trong hai ngày 28 và 29/3. Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Thọ Vương (Lược ghi)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/viec-sua-doi-quyen-so-huu-tri-tue-khong-xam-pham-loi-ich-nha-nuoc-loi-ich-cong-cong-a111271.html