Chính trị - Xã hội Phụ nữ Phụ nữ A Lưới làm du lịch

TTH - Phụ nữ dân tộc ít người ở vùng cao đã và đang tham gia tích cực và thể hiện được vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch của vùng cao A Lưới.

Du khách tham quan một cơ sở du lịch ở A Lưới

Du khách tham quan một cơ sở du lịch ở A Lưới

Điểm sáng A Nôr

Cách trung tâm huyện A Lưới 3km, làng A Nôr thuộc xã Hồng Kim có 23 ngôi nhà thì có đến 6 homestay. Tại những homestay này, du khách được phục vụ các món ăn truyền thống của địa phương, nghe biểu diễn múa, hát... Khu vực xung quanh thác cũng có hàng chục sạp phục vụ ăn uống cho khách tham quan, tắm suối; có đường truyền cung cấp wifi miễn phí cho khách du lịch tại các homestay.

Làng du lịch cộng đồng A Nôr hình thành cách đây 3 năm. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, các hộ dân ở đây đã dần làm quen với những kỹ năng tổ chức sự kiện cộng đồng, phục vụ buồng phòng, giao tiếp với du khách. Ở đây có đội dịch vụ với 10 chị em phụ nữ. Mỗi ngày, họ vẫn lên nương, rẫy bình thường. Dịp cuối tuần, khi khách du lịch đến tham quan và ở lại trong các homestay, muốn tham gia các hoạt động trải nghiệm, đội dịch vụ sẽ hướng dẫn khách làm bánh A Quát, giã gạo, sàng gạo, xông răng, gội đầu bằng nước lá rừng, văn nghệ lửa trại giao lưu cộng đồng khi đêm xuống, chế biến các món ăn truyền thống cùng nhiều hoạt động khác mang đậm bản sắc văn hóa của người Pa Cô.

Thu nhập từ du lịch góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ. Nấu ăn cho khách hay hướng dẫn khách làm bánh, giã gạo… các chị em phụ nữ dân tộc ít người đều cảm thấy như đang làm việc nhà mình nhưng lại có thêm thu nhập nên ai cũng vui, cũng thích. Làng du lịch cộng đồng A Nôr ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn thì cũng là lúc nhiều phụ nữ Pa Cô có cơ hội thay đổi trong phát triển sinh kế. Đặc biệt, nhờ tham gia làm du lịch đã giúp người phụ nữ Pa Cô suốt ngày quanh quẩn nơi nương rẫy biết nuôi ước mơ làm giàu từ nghề dịch vụ.

Làm du lịch cũng phải… tập

Làng du lịch cộng đồng A Nôr được xem là điểm sáng du lịch, trong đó vị thế của phụ nữ được khẳng định. Kết quả triển khai bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu huyện năm 2021, Hội đồng bình chọn huyện A Lưới đã tiếp nhận 21 sản phẩm tham gia, chỉ riêng nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã có 17 sản phẩm: Con sao la; túi đựng Ipad; khăn trải bàn, rèm cửa trang trí; tấm vải zèng; vải zèng treo tường; ba lô; khăn quàng cổ; túi xách; búp bê… mang dáng dấp đặc trưng vùng miền, kinh tế du lịch và dáng dấp người phụ nữ.

Thời gian qua, nhiều phụ nữ dân tộc ít người ở vùng cao A Lưới đã khởi nghiệp và tích cực tham gia, đầu tư làm du lịch. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, du lịch vẫn là một khái niệm còn xa lạ với bà con vùng cao A Lưới do không hiểu và không biết cách làm; ngại thiếu hiệu quả khi khách ít, không có thu nhập, hiệu quả kinh tế không cao.

Trong bối cảnh đó, huyện A Lưới đã tăng cường vận động giúp người dân nói chung và phụ nữ dân tộc ít người nói riêng hiểu, chủ động tham gia làm du lịch. Để có Làng du lịch cộng đồng A Nôr, chị em phụ nữ dân tộc Pa Cô nơi đây đã được dự án Trường Sơn Xanh tập huấn về cung cách phục vụ du lịch, từ dọn dẹp phòng ngủ, trải ga giường đến bày biện thức ăn. Riêng các hoạt động văn nghệ dân vũ, các chị em tự tập luyện cùng nhau với sự trợ giúp của cấp hội phụ nữ và ngành văn hóa thông tin cơ sở. Cùng chung tay, Sở Du lịch phối hợp với địa phương mở các lớp tập huấn về du lịch, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với các chương trình về lao động và việc làm. Đặc biệt, cấp hội phụ nữ với việc triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Chính phủ.

Tháng 7 vừa qua, tại xã Hồng Kim, Helvetas phối hợp với Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam tổ chức tập huấn chuyên sâu về marketing du lịch sinh thái cho một số cộng đồng dân tộc ít người thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Hơn 30 học viên là người dân tộc ít người, trong đó có nhiều phụ nữ đã được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tự quảng bá cho các dịch vụ du lịch sinh thái của mình. Các chuyên gia không chỉ cung cấp cho học viên các kiến thức chung về marketing du lịch mà còn hướng dẫn thực hành tại chỗ các kỹ năng như quay phim, chụp ảnh, chỉnh sửa và dựng phim bằng phần mềm trên diện thoại di động, viết nội dung và đăng tải lên các nền tảng, như Facebook, TikTok…

Nắm bắt cơ hội

Năm 2021, Huyện ủy A Lưới ban hành Nghị quyết số 04 - NQ/HU về phát triển du lịch huyện A Lưới, giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Huyện A Lưới xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đi liền với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương, kết hợp với bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Hiếm có địa phương miền núi nào như A Lưới có được tiềm năng và thế mạnh rất lớn về phát triển các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa tộc người... đến du lịch các điểm văn hóa cách mạng. Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam trực tiếp khảo sát làng du lịch cộng đồng A Nôr. Với những kết quả phát triển du lịch cộng đồng, làng A Nôr được Hội đồng thi đua của Hiệp hội Du lịch Việt Nam lựa chọn là làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam. Có thể xem đây là cơ hội để phụ nữ dân tộc ít người thể hiện rõ vai trò trong phát triển kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Chính phủ tạo ra những thay đổi trong tư duy và phương pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, thu hút hàng nghìn gia đình hội viên phụ nữ ở A Lưới tham gia, tự tin khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Từ đó, xuất hiện mô hình phụ nữ người dân tộc ít người làm ăn kinh tế, trong đó có du lịch, biết tính toán và giải quyết việc làm, đạt được hiệu quả kinh tế cao .

Bài, ảnh: Đan Duy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/phu-nu-a-luoi-lam-du-lich-a117832.html