Chính trị - Xã hội Thanh niên Chiến sĩ 'anh nuôi'

TTH - Mới nhập ngũ một năm, nhưng những 'anh nuôi' tại bếp ăn tập trung của khung T3 - F0 có đến 4-5 tháng làm nhiệm vụ ở các khung cách ly. Vốn khéo tay, lại có năng khiếu nấu nướng nên nhiều chiến sĩ đã trở thành những đầu bếp 'không chuyên'.

Các chiến sĩ “anh nuôi” nấu ăn chẳng khác gì các đầu bếp chuyên nghiệp

Các chiến sĩ “anh nuôi” nấu ăn chẳng khác gì các đầu bếp chuyên nghiệp

Tiếp sức cho bà con

Bếp ăn Khung T3 – F0 hiện đang đảm bảo hậu cần cho hai Khung T3 – F0 và T4 – F0, với trung bình hơn 4.000 suất ăn mỗi ngày. Mỗi ngày, các anh nuôi thức dậy và bắt đầu công việc từ lúc 4h sáng và kết thúc khi mọi người đã ngon giấc. Có những hôm, các khung tiếp nhận F0 xuyên đêm, những bệnh nhân mới đến mà quá bữa chưa ăn họ sẵn sàng thức dậy để nấu những bữa ăn nhanh cho các công dân.

Tạm nghỉ tay chuyện trò cùng chúng tôi, dẫu biết, mỗi ngày qua là những ngày làm việc quá sức đối với Binh nhất Lê Nhật Huy (sinh năm 2002) nhưng Huy vẫn luôn vui vẻ. “Có hôm, vừa mới chợp mắt, thì nhận lệnh có bệnh nhân mới tiếp nhận chưa kịp ăn tối, chúng em cũng vội dậy chế biến một số món ăn nhanh như phở ăn liền, miến… cho bà con. Đối với chúng em, những nhiệm vụ đột xuất như vậy quá bình thường, vất vả hơn một tí cũng không sao, chỉ mong những bữa ăn “tạm” khi quá bữa có thể giúp bà con ấm lòng, tiếp sức để bà con chiến đấu với dịch bệnh trong những ngày tiếp theo”.

Nhật Huy là một trong những đầu bếp chính ở đây, món mặn, món xào, canh…, món nào Huy cũng có thể chế biến được.

Nhanh nhẹn, sạch sẽ, gọn gàng là những gì chúng tôi thấy được ở những chiến sĩ với nhiệm vụ đầu bếp ở đây. Nhìn bàn tay thoăn thoắt, đảo từng chảo rau xào, rồi nêm gia vị của Binh nhất Đặng Ri chẳng khác nào một đầu bếp chuyên nghiệp. “Ở nhà em có nấu ăn đâu, nhưng khi đi làm nhiệm vụ ở các khung cách ly, được giao nhiệm vụ phục vụ hậu cần, rồi tập tành nấu nướng, em nấu ngon lúc nào không hay”, Đặng Ri chia sẻ.

Thiếu tá Lê Đức Anh, Bếp trưởng, Quản lý Hậu cần Khung T3 – F0 cho biết: Mặc dù là những thanh niên trẻ, trước khi nhập ngũ chưa có kinh nghiệm gì về nấu ăn, nhưng khi nhận nhiệm vụ là các “anh nuôi”, các chiến sĩ luôn cố gắng học hỏi từng ngày, luôn dồn hết tâm huyết, trách nhiệm trong từng món ăn, bữa ăn cho bệnh nhân. Đến nay, chúng tôi đã hoàn toàn tin tưởng với tay nghề của các “anh nuôi” chiến sĩ.

Cùng nhau cố gắng

Trời về chiều, những cơn mưa phùn mùa đông càng khiến thời tiết thêm lạnh. Nhưng trong căn bếp Khung T3, những nụ cười vui vẻ, lời động viên, chỉ bảo nhau trong công việc bếp núc của những chàng thanh niên đôi mươi nghe thật ấm lòng.

Vừa mới bàn giao những nồi thịt kho cho những chiến sĩ chia thức ăn, chiến sĩ “anh nuôi” Nguyễn Ngọc Linh (sinh năm 2000), bắt đầu công việc dọn dẹp bếp, lau chùi song nồi.

Ngọc Linh không những nấu ăn thành thạo mà dọn dẹp dụng cụ nấu nướng cũng nhanh nhẹn, gọn gàng. “Công việc cứ thế xoay vần, càng đông bệnh nhân thì chúng em càng vất vả. Nhưng chẳng sao cả, dịch bệnh phức tạp, mỗi người một việc, tham gia chống dịch thì chẳng có việc nào là nhẹ nhàng hết. Chúng em thường bảo nhau, mỗi người cố gắng một ít, tất cả đều chung một mục tiêu là góp sức trẻ tham gia chống dịch cùng chính quyền”, Ngọc Linh bộc bạch.

Để chuẩn bị kịp cho ba bữa ăn mỗi ngày, đội ngũ phục vụ hậu cần phải dậy từ 4 giờ sáng, có những ngày các Khung F0 nhận tối đa công suất, bệnh nhân đông, các anh phải dậy sớm hơn.

Trung tá Dương Văn Trung, Khung phó Hậu cần Khung T3 - F0 cho biết: Hiện tại, đội ngũ phục vụ hậu cần nấu ăn ở Khung T3- F0 có trên 65 cán bộ, chiến sĩ và tình nguyện viên (mỗi ngày có 20 – 30 hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên các địa phương đến phụ giúp). Mặc dù lực lượng phục phụ hạn chế, số lượng bệnh nhân đông, áp lực công việc khá lớn nhưng khi nhận nhiệm vụ các cán bộ, chiến sĩ và tình nguyện viên đều rất nỗ lực, không những cố gắng đảm bảo tiến độ mà mỗi món ăn được nấu, bày lên hộp chúng tôi đều đảm bảo từ khâu sơ chế, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bài, ảnh: THANH THẢO

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chien-si-anh-nuoi-a107705.html