Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Chuyện không bình thường trong công tác cán bộ
.VN - Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam và mạng xã hội đã nêu sự việc một cô gái ở Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk mạo danh hồ sơ xin việc, được bổ nhiệm lên đến trưởng phòng trong cơ quan của Đảng. Bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn, sử dụng bằng giả đã xẩy ra nhiều trường hợp, nhưng đây là trường hợp có những tình tiết lạ, không bình thường trong công tác tổ chức, cán bộ.
Bà Trần Thị Ngọc Thảo hiện giữ chức Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ảnh: VTC.VN
Trần Thị Ngọc Thảo (có tên nữa là Ngọc Thêm) lấy bằng tốt nghiệp phổ thông của người chị ruột Trần Thị Ngọc Ái Sa để xin việc làm, dần dần leo lên đến trưởng phòng trong cơ quan nhà nước.
Từ tấm bằng này, Thảo đã theo học kế toán, đại học, cao học và chắc là phải học ngoại ngữ, tin học, lý luận chính trị… Từ một nhân viên của doanh nghiệp, nhân viên nhà khách, cô gái này từng bước được làm kế toán, bổ nhiệm phó phòng, rồi lên trưởng phòng. Khi bị phát hiện, cô Thảo đã thừa nhận sự thật và xin thôi việc, đó là hệ quả của sự gian dối.
Bản thân cô Thảo bị mất việc, mất danh dự đã đành, Tỉnh ủy Đắk Lắk nói riêng và công tác tổ chức của chúng ta nói chung cũng bị mất mát, ảnh hưởng uy tín đáng kể. Tạm thời cứ xem như không có tiêu cực trong sự việc này thì công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã bộc lộ lỗ hổng quá lớn.
Xem xét từ góc độ công tác tổ chức có thể nêu ra 3 điểm sai cơ bản. Một là, khâu đối chiếu hình ảnh tấm bằng với con người ngoài đời đã không được chú trọng. Dù là chị em ruột hay chị em sinh đôi cũng có những đặc điểm nhận dạng khác biệt. Với các lớp nơi cô Thảo từng học không đối chiếu cẩn thận giữa bằng cấp với con người hiện tại. Trong quá trình học có bao nhiêu cuộc thi, nhiều thủ tục kiểm tra theo quy trình nhưng không nơi nào phát hiện.
Hai là, tuyển người vào trong cơ quan hành chính sự nghiệp, công lập cũng quá sơ sài, đơn giản, làm chiếu lệ. Mỗi cá nhân khi xin làm việc đều có một bộ hồ sơ và ít nhất cũng có xác nhận ban đầu của chính quyền cơ sở. Bước này cấp phường, xã đã không kiểm tra, không nắm kỹ lai lịch bản thân, gia đình mà vẫn xác nhận là quan liêu, thiếu trách nhiệm. Có thể từ thiếu sót ban đầu đã làm cho tổ chức dựa vào đó dẫn đến chủ quan chủ quản, không làm chặt chẽ các bước tiếp theo.
Ba là, khi kết nạp đảng thì công tác xác minh phải là thủ tục bắt buộc, kể cả một đảng viên, đoàn thể cùng công tác ít nhất một năm giới thiệu. Khi xác minh phải lấy ý kiến nơi cư trú, nơi công tác của cấp ủy, đoàn thể, chính quyền cơ sở. Những nơi này phải có trách nhiệm phát hiện đầu tiên nhưng đã không thực hiện đầy đủ, chu đáo. Khi bổ nhiệm phó phòng, trưởng phòng phải qua thời gian được quy hoạnh, thủ tục bổ nhiệm phải theo quy trình của tổ chức cán bộ. Quá trình này đủ để cấp có thẩm quyền thêm một lần nữa xác minh lý lịch cán bộ, nhưng các công đoạn này đều không đặt ra nghi vấn là hết sức khó hiểu.
Những sai sót, nói chính xác là vi phạm về nguyên tắc, thủ tục, quy trình của cơ quan chủ quản là rất nghiêm trọng. Tạm thời loại trừ tiêu cực thì đây được xem như một “điển hình” không chỉ với Đắk Lắk mà còn là cảnh báo về công tác bảo vệ nội bộ của hệ thống chính trị. Đây chỉ mới là sử dụng hồ sơ giả để làm việc, những kẻ có ý đồ xấu tìm cách chui vào nội bộ thì tính chất sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều. Trong trường hợp này sai không chỉ một người mà là nhiều người, cả người có trách nhiệm thẩm tra, xác minh và lãnh đạo có thẩm quyền quyết định.
Không chỉ sai mang tính cá nhân mà còn là trách nhiệm chung của cấp ủy, tập thể lãnh đạo. Người ta có thể đổ lỗi sai sót, nhầm lẫn do khách quan nhưng nếu làm chặt chẽ, nghiêm túc, có trách nhiệm thì sẽ không để lọt nghiêm trọng như vậy. Xem xét ở khía cạnh tiêu cực, nếu có người “chống lưng”, “nâng đỡ không trong sáng” thì phải là người có chức vụ cao, đủ thẩm quyền chi phối tổ chức. Đặt ra giả thiết như vậy để xem lại quy chế dân chủ, nguyên tắc sinh hoạt trong tổ chức Đảng.
Vụ việc xảy ra ở Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk là bài học cho công tác tổ chức, cán bộ trong hệ thống chính trị cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc. Đây cũng là cảnh báo về thực hiện “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ ”theo Quy định 126-QĐ/TW ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị.