Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Có đáng để câu view?
Sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh. Đó là điều mà Giám đốc Sở Du lịch trao đổi xung quanh việc xuất hiện một clip hướng dẫn viên có những lời thuyết minh không mấy hay ho về chuyện nhạy cảm trong hậu cung nhà Nguyễn xưa. Mấy ngày gần đây, thông tin này xuất hiện trên vài tờ báo điện tử và tạo nên một số bàn tán từ cư dân mạng.
Có lẽ, chuyện sẽ chẳng đáng để ồn ào đến vậy, nếu hướng dẫn viên ấy nói bên lề về một giai thoại. Ở đây, chúng tôi tiếp nhận một thông điệp khác. Đó là người nghe/người chứng kiến không hài lòng với điều này. Nhất là khi đó là một chuyện ngoài chính sử; không ai biết và chẳng ai rõ là liệu nó có tồn tại! Từ sự không hài lòng này, chúng tôi nghĩ về cách “lấy lòng” người tham quan cũng cần phải có duyên hơn, nếu không nói là cần phải có phông văn hóa hơn. Điều này đặc biệt cần đối với những thông tin chưa hoặc không được kiểm chứng, những thông tin nhạy cảm, tế nhị. Bạn có thể kể về một giai thoại, vấn đề là điều mà bạn chia sẻ được đặt trong một ngữ cảnh như thế nào, có sự đồng cảm hay không và mục đích chính của điều mà bạn chia sẻ là gì!
Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể triều Nguyễn là một kho tàng đồ sộ về kiến trúc, cảnh quan, văn hóa… Chọn một điểm nhấn, một lát cắt sâu để giới thiệu không phải là điều quá khó, nhất là đối với du khách đến Huế trong một thời gian ngắn, và chỉ có thể nghe, nhớ những điều cơ bản. Cá nhân tôi nghĩ, bạn hướng dẫn viên nhắc tới ở trên có lẽ cũng chỉ muốn tạo một giao tiếp gần hơn với khách mà mình hướng dẫn. Nhưng bạn sai ở chỗ, điều mà bạn kể, không gian mà bạn chọn, cách mà bạn nói… không hay ho; từ đó, tạo nên hiệu ứng ngược.
Vấn đề đặt ra là, có bao nhiêu hướng dẫn viên đã có cách kể những câu chuyện khó dẫn nguồn ấy? Có đáng để câu view bằng những câu chuyện như vậy không? Và nếu có, thì nên đề cập đến nó bằng âm điệu và ngữ cảnh như thế nào để không gây phản cảm? Có lẽ, đây là điều mà cơ quan quản lý và phối hợp quản lý hướng dẫn viên du lịch cần có sự hướng dẫn và hướng dẫn lại, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể sẽ xảy ra như đã xảy ra.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là trong không ít các giao tiếp, trò chuyện đời thường, nhiều khi người ta lại lôi ra hoặc nói về những chuyện tế nhị một cách thản nhiên rồi cười cợt làm vui giữa đám đông. Nó làm cho người buộc phải lắng nghe cảm thấy ái ngại, thậm chí xấu hổ cho dù đã cố gắng làm lơ…
Cơn cớ này không phải là hệ lụy của cơn cớ kia, nhưng chắc chắn rằng, clip của bạn hướng dẫn viên trên sẽ là kinh nghiệm của nhiều người không chỉ trong hướng dẫn mà cả giao tiếp nữa.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/co-dang-de-cau-view-a124956.html