Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Cơ hội của anh và… của tôi

TTH -

Ngồi chuyện trò. Quanh chuyện công nhân từ các tỉnh thành phía nam về lại Thừa Thiên Huế.

Có nhiều lý do để họ trở về quê trong thời điểm này, nhưng lý do chủ yếu có lẽ là “lánh dịch” bùng phát nặng ở các tỉnh thành phía nam. Cũng có một lý do khác là dịch bệnh kéo dài, thiếu công ăn việc làm khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế.

Theo ông Đặng Hữu Phúc, GĐ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ( Sở LĐ – TB&XH) thì có đến hơn 25.000 người trở về Thừa Thiên Huế. Xem ra con số này là quá lớn. Không biết họ về tạm thời trong thời gian biến động vì dịch rồi sẽ vào các tỉnh phía nam tìm công ăn việc làm lại, hay là họ sẽ ở lại quê hương lâu dài. 25.000 người, nếu tính theo dân số thì có thể thêm đến mấy “xã phường” nữa chứ chẳng chơi !? Giải quyết công ăn việc làm cho chừng ấy người một lúc không phải là chuyện dễ. Thôi thì “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Thường trong những tình huống khó khăn thì con người hay có những sáng tạo để thích ứng. Hy vọng rằng mọi người trở về cùng với sự hỗ trợ của người thân gia đình, sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp, chính quyền… mỗi người sẽ kiếm được một công việc làm mới.

Nhưng câu chuyện không phải là nhiều người trở về quê, đời sống, việc làm của họ mà là cơ hội của doanh nghiệp (DN). Có nhiều DN chớp lấy rất nhanh cơ hội này để tuyển công nhân.

Cũng theo ông Phúc, những người trở về có đến gần 9.800 người có nhu cầu việc làm; 36 DN có nhu cầu tuyển dụng 8.340 công nhân. Nếu hai bên cần việc và cần tuyển gặp nhau thì coi như có khoảng 85% số người nói trên được đáp ứng công việc.

DN nào cần tuyển dụng công nhân nhiều như vậy? Phần lớn là DN thuộc ngành dệt may.

Đến đây, trong cuộc trò chuyện như nêu ở đầu bài chia ra làm hai luồng ý kiến. Ý kiến đầu tiên cho rằng, DN đã đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (ý nói tạo điều kiện cho công nhân có việc làm). Có DN tuyên bố sẽ nhận hết công nhân có nhu cầu việc làm. Và luồng ý kiến thứ hai cho rằng, chưa hẳn hành động như vậy là đề cao trách nhiệm xã hội của DN mà là sự nhanh nhạy tận dụng cơ hội tuyển dụng lao động. Thực ra ý kiến nào cũng có lý, nhưng có lẽ “trộn” hai luồng ý kiến vào nhau thì sẽ thuyết phục hơn. Chưa nói đến chuyện DN đối đãi tốt với người lao động; họ có trách nhiệm với cộng đồng nơi họ đóng nhà máy; họ có trách nhiệm với môi trường… Riêng chuyện họ quý trọng đồng vốn họ đã bỏ ra, làm sao cho đồng vốn ấy sinh lãi tốt đã là thể hiện trách nhiệm xã hội của DN. Còn đã là DN, một cơ hội tốt đưa đến “tận tay” thì tại sao không chớp lấy.

Những công nhân làm việc nhiều năm ở các tỉnh phía nam phần lớn tay nghề của họ đã thuần thục. Không ít trong số họ là công nhân bậc cao. Các DN đang xây dựng mới hoặc mở rộng nhà máy, những ngành như dệt may – một trong những ngành thâm dụng lao động nhiều nhất thì có thể nói, có một lượng công nhân đông đảo, chất lượng tốt như vậy có khác gì “vớ được vàng” !? Rất ít DN nào bỏ qua những cơ hội quý giá này.

Nếu xét riêng đối với các DN tỉnh Thừa Thiên Huế, DN được hưởng lại trong cuộc dịch chuyển lao động đông đảo nói trên do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nói chung là nhiều bên cùng có lợi – DN có lượng lao động tốt nhưng bỏ rất ít chi phí, thời gian, công sức đào tạo; người lao động có việc làm, có thu nhập và có khi là được sống gần nhà, giảm được chi phí; chính quyền thì có thêm điều kiện để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thu được thêm thuế…

Thế nhưng nếu như chúng ta đặt ra một câu hỏi: nhìn trên tổng thể của nền kinh tế quốc gia thì sẽ như thế nào? Theo tôi, trong ngắn hạn chưa chắc cuộc dịch chuyển lao động này đã tốt. Hay nói cách khác, có khi cơ hội của người này thì lại đánh mất cơ hội của người kia. Các DN dệt may ở phía nam, cứ giả sử tình hình dịch bệnh ổn định, họ đi vào sản xuất trở lại, với nhiều ngàn lao động dịch chuyển và họ bị thiếu hụt thì sẽ như thế nào! Tính trên tổng thể một bài toán quốc gia, chưa chắc tình hình nêu trên là “lời hay lỗ”. Đó là chưa nói đến chuyện, ví dụ các DN nước ngoài, khi khó khăn về nguồn lực lao động, môi trường hoạt động, giả sử như họ muốn mở rộng nhà máy, nay vấp phải những điều như vậy họ không tiếp tục thực hiện dự định đó mà có thể lựa chọn ở một nước nào đó thì sao!? Điều này nhiều chuyên gia kinh tế đã không ít lần cảnh báo.

Nguyên Lê

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/co-hoi-cua-anh-va-cua-toi-a105077.html