Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Hòa Duân hồi sinh

Từ quyết định hàn khẩu đập Hòa Duân (Thuận An, Phú Vang) sau trận lũ lịch sử năm 1999, cư dân làng Eo năm xưa (nơi ở mới là làng Rồng hiện nay) đã hồi sinh…

Những cư dân làng Eo năm xưa sinh sống cạnh đập Hòa Duân (tổ dân phố Hải Thành, thị trấn Thuận An) vẫn nhớ mãi ký ức đau thương về trận lũ lịch sử năm 1999 đã cuốn trôi 64 căn nhà, làm 16 người ra đi mãi mãi. Sau lũ, 274 người dân làng này được đưa đến tái định cư ở làng Rồng cách đó chừng 1 km.

Đập Hòa Duân hôm nay

Đập Hòa Duân hôm nay

Bẻ nạng “chống” được trời

Hàng năm, ông Trần Văn Thu (53 tuổi) lại đều đặn từ TP. Hồ Chí Minh về quê để làm mâm cơm tưởng niệm 12 người thân của mình đã ra đi mãi mãi trong cơn lũ lịch sử năm 1999. Khép lại ký ức đau thương, ông Thu vui vì hôm nay, làng Rồng và khu vực đập Hòa Duân năm xưa đã hồi sinh trên từng con người, mét đất.

Vùng cửa biển tan hoang năm xưa sau khi được hàn khẩu đã được cát bồi lấp thành một bãi rộng hơn 500m và được thị trấn Thuận An quy hoạch, xây dựng thành một bãi tắm khang trang, thu hút khoảng 400.000 lượt khách du lịch/năm. Tại đây, hiện có 6 quán kinh doanh ăn uống, giải khát, tạo công ăn việc làm cho 300 lao động, mỗi năm đóng ngân sách khoảng 3-4 tỷ đồng. Nằm cạnh đó là bãi tắm xã Phú Thuận cũng thu hút khoảng 50.000 khách du lịch/năm, đóng góp cho ngân sách địa phương nhiều tỷ đồng.

Sau lũ, giải pháp kết nối lại giao thông, tái định cư cho người dân làng Eo được tính đến. Trong đó, việc “vá” lại cửa biển Hòa Duân được đưa ra hai phương án là xây cầu và hàn khẩu cửa biển. Trong tình thế cấp bách và khó khăn do sau khi lũ mở cửa biển Hòa Duân, có khoảng 300.000 người dân thuộc 10 xã của các huyện Phú Vang, Phú Lộc bị chia cắt, giao thông cách trở, cứu trợ khó khăn. Cũng thời điểm đó, cầu Tư Hiền hiện nay chưa được xây dựng nên giao thông chia cắt đã biến 10 địa phương này trở thành “ốc đảo”.

Theo Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, việc xây cầu tốn kém kinh phí rất lớn so với hàn khẩu. Mặt khác, đoạn cửa biển này thuộc Quốc lộ 49B do Bộ GTVT quản lý nên địa phương đã tham vấn bộ. Thời điểm đó, chính quyền địa phương cũng tổ chức tham vấn người dân - những ngư dân có kinh nghiệm trên địa bàn để quyết định chọn phương án hàn khẩu lại cửa biển Hòa Duân. Sau khi được Bộ GTVT đồng ý, chính quyền tỉnh đã huy động lực lượng vũ trang, người dân và các chuyên gia kỹ thuật của Bộ GTVT tiến hành đóng cọc, thả bao cát.

Ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho rằng, việc chọn giải pháp đóng cọc để hàn khẩu cửa biển Hòa Duân vào thời điểm đó là một quyết định táo bạo nhưng đúng đắn.

Việc đóng cọc sẽ làm “điểm tựa” cho lượng cát được đánh dạt và bồi lấp lại như cũ. Khi người dân đồng thuận, chính quyền tỉnh cũng đã nghiên cứu các phương án kỹ thuật nên việc hàn khẩu được triển khai và đến năm 2001 công việc hàn cửa hoàn thành, cát cũng bắt đầu bồi lấp và hình thành như hiện nay.

“4 tại chỗ” và “5 tại chỗ”

Hòa Duân hôm nay đã hồi sinh với tuyến Quốc lộ 49B thẳng tắp, kết nối thị trấn Thuận An với xã Phú Thuận (Phú Vang). Con đập dài 616m, rộng 8m giờ đây xe cộ tấp nập qua lại, khách du lịch đổ về các bãi tắm. Hai bên đường đã quy hoạch xây dựng các khu resort, xưởng đóng tàu khá nhộn nhịp, rừng phi lao xanh ngút ngàn về phía biển.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trận lũ lịch sử 1999 cũng đã khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh của cả dân tộc; của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh quyết tâm vượt khó vươn lên từ đau thương, mất mát; phấn đấu đạt được những thành quả to lớn, toàn diện trong suốt 20 năm qua.

Nhờ vậy, tỉnh đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1999-2018 là 7,2%/năm. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 đạt 40,8 triệu đồng, gấp 81,6 lần so với năm 1990. Thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 7.788,5 tỷ đồng.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chia sẻ, về bài học phòng chống thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai đã tuân thủ theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Riêng đối với tỉnh còn phát huy hiệu quả phương châm thứ 5, “tự quản tại chỗ”.

Yêu cầu đặt ra của phương châm này là cấp ủy, chính quyền địa phương phải quyết liệt lấy cơ sở làm địa bàn trọng tâm chỉ đạo, người dân tự quản, nâng cao vai trò trưởng thôn, tổ dân phố..., phải quản lý, bảo vệ người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương. Chính quyền địa phương, các ban ngành phải tăng cường tuyên truyền trên hệ thống thông tin về sự nguy hiểm tính mạng trong bão, lũ, đề phòng tai nạn thương tích ngay sau lũ.

Lực lượng xung kích tại chỗ chủ động ứng phó, hạn chế điều động lực lượng từ cấp tỉnh về hỗ trợ. Các lực lượng này được bố trí tại các khu dân cư, từng hộ gia đình, các vùng xung yếu, điểm nóng để ứng trực, tuần tra, ngăn chặn người dân không chủ quan đi lại, đánh bắt thủy sản…, khi nước lũ dâng cao nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người trong bão, lũ.

Bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương, tỉnh đã đầu tư hơn 73 km đê trên tổng số 181km (đạt hơn 40%) và 41 cống các loại với tổng mức đầu tư 342 tỷ đồng. Dự án chỉnh trị cửa biển Thuận An giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng đã hoàn thành; đang thực hiện dự án kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua xã Quảng Công (Quảng Điền) với chiều dài 1,5 km, kinh phí khoảng 150 tỷ đồng; kè chống sạt lở xã Phú Thuận với tổng chiều dài 630m chia làm hai giai đoạn có tổng mức đầu tư 64 tỷ đồng…

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/hoa-duan-hoi-sinh-a79588.html