Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Hy vọng về một sự thay đổi

Thuyền bán hoa quả, trái cây không được chở khách và chỉ được 'họp chợ' ở điểm quy định… là những điều mà tôi biết được giữa những cuộc chuyện trò.

Sớm đó, mật độ lưu thông trên dòng Ngô Đồng (Ninh Bình) khá dày đặc với cả hàng trăm con thuyền đưa chở khách. Ngoại trừ tiếng cười và tiếng trêu chọc nhau của đám thanh niên vừa ngược ra, du khách có thể nghe rất rõ tiếng mái chèo khỏa trên mặt nước, tiếng chim lúc rúc trên các bụi cây hai bên bờ, mấy con chim le đi lạc giữa đám chân ruộng đã cắt rồi nhanh chóng lẫn vào đám sen già. Để ý kỹ lắm, mới trông thấy một chiếc thuyền nhỏ gắn máy ghi số hiệu của người làm nhiệm vụ bảo vệ ẩn sau đám bụi. Chuyến đi vì thế mà trở nên dễ chịu và thú vị, với những câu chuyện thi thoảng được nhóm lên giữa khách và người chèo thuyền. Suốt dọc hành trình, du khách có thể nhẩn nha quan sát khung cảnh đôi bên, hang động và những vách núi đá vôi khi xuôi dòng.

Không được dùng thuyền máy. Thuyền bán hoa quả, trái cây không được chở khách và chỉ được “họp chợ” ở điểm quy định… là những điều mà tôi biết được giữa những cuộc chuyện trò. Bến xuất phát cũng không có tình trạng đeo bám, mời mọc khi mọi thuyền đều được sắp xếp và bố trí theo thứ tự. Tôi thấy mình có cảm tình với Tam Cốc ngay từ những điều đó.

Đương nhiên là mỗi dòng sông đều có những đặc trưng riêng của mình. Vấn đề chỉ là cách tổ chức và quản lý, vận hành như thế nào để mang đến cảm xúc tốt nhất cho người thưởng ngoạn. Đó là điều mà tôi ít gặp khi ghé qua sông Hoài (Hội An) hay những lần dẫn đồng nghiệp đi dạo trên sông Hương. Có đêm dễ tính nhận lời mời dạo đâu chừng 20-30 phút, và tôi đã phải “trả giá” cho sự dễ dãi ấy của mình khi mọi người hoặc gần như phải hét lên để nói với nhau điều gì đó, hoặc im lặng cười xòa chờ khi lên bờ để nói tiếp những điều dang dở. Đúng là tiếng máy nổ không hề dễ chịu, dù hình như chưa có một định lượng mức đề-xi-ben nào được nêu lên một cách cụ thể. Ngay cả những chuyến đi dọc theo sông Hương, nếu không vấp phải độ ồn từ tiếng máy hay những món đồ thủ công, áo quần loại rẻ tiền được bày bán một cách phô trương, chắc chắn ấn tượng và sự thi vị sẽ chẳng nơi nào có được.

Những điều đó, đã được đề cập đến từ lâu, nhưng cho đến bây giờ gần như vẫn chưa có sự thay đổi. Tôi nói là gần như, bởi lẽ thời gian gần đây đã có sự tham gia của Nam Xuân và Nam Bình – hai du thuyền cỡ vừa, dịch vụ cao cấp của Công ty TNHH đầu tư hạ tầng và du lịch Đông Á. Điểm ghi nhận ở hai chiếc thuyền này là tiếng máy rất êm để khách có thể vừa thưởng ngoạn cảnh sắc hai bên bờ, vừa trò chuyện, vừa nghe tiếng piano chơi vơi hay tiếng vĩ cầm réo rắt giữa quãng sông và cảnh sắc xanh mát từ đôi bờ.

Nhưng đó cũng mới chỉ là một lựa chọn, cho một phân khúc dịch vụ trên sông Hương. Số đông, phổ biến hơn vẫn là việc lựa chọn thuyền rồng xuất phát từ Tòa Khâm, với việc ghép chỗ, ghép đoàn nếu không đủ đông; cả những điều nói thật là chưa chuẩn trong dịch vụ nghe ca Huế, với tiếng ồn của động cơ và có thể, còn là tình trạng đeo bám, níu kéo, chèo mời, thậm chí là tranh giành khách ở khu vực xuất bến… Đó là một thực trạng đã được đề cập đến rất nhiều nhưng thật sự vẫn chưa có một giải pháp hiệu quả.

Tôi đã nghĩ về những điều đó, khi làm khách trên thuyền dọc sông Ngô Đồng. Quản lý hơn ngàn chiếc nhưng hoạt động của các đội thuyền rất quy củ. Vấn đề là người tham gia dịch vụ hiểu đó là cách mà họ lưu giữ cho dòng sông, cho di sản và hướng tới hoạt động bền lâu.

Tôi cũng nghĩ về điều đó, và bắt đầu hy vọng về một sự thay đổi, khi đọc được thông tin về việc tỉnh sẽ kiên quyết dừng thuyền rồng khi hết hạn sử dụng. Mọi thứ không thể đến ngay và phải có lộ trình. Điều cơ bản là vấn đề đã được nhìn thấy và giải quyết từng bước…

MINH HÀ

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/hy-vong-ve-mot-su-thay-doi-a76643.html