Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Luật phải nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội

.VN - Sáng 29/10, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được Quốc hội xem xét trong phiên họp toàn thể tại hội trường. Tại phiên thảo luận tổ, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Chí Tài và đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, cần quy định chi tiết hơn nữa một số nội dung, trong đó có quyền hạn của phó trưởng đoàn, nâng cao chất lượng hoạt động đoàn ĐBQH và ĐBQH.

Đại biểu Nguyễn Chí Tài phát biểu thảo luận ở tổ về Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: Quốc Vương

Khó khăn trong việc “nửa địa phương, nửa trung ương”

Đại biểu Nguyễn Chí Tài đồng ý với nội dung của dự thảo luật, ở Điều 43, khoản 4 quy định, là cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo phân cấp thuộc trách nhiệm quản lý ĐBQH hoạt động chuyên trách của địa phương mình. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng vấn đề này là chưa đầy đủ. Đề nghị bổ sung thêm là phải chịu trách nhiệm về việc quy hoạch, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm, bố trí công tác khác nếu không tái cử, quyết định nghỉ hưu, thi đua khen thưởng và các công việc khác có liên quan đến công tác cán bộ. Trước khi điều động, luận chuyển, bố trí đối với đại biểu không chuyên trách, cơ quan có thẩm quyền đối với cán bộ quản lý ở địa phương báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời gian qua, vấn đề quản lý đại biểu chuyên trách ở địa phương rất khó khăn, bất cập. Ví như tôi là phó trưởng đoàn, anh em hay nói đùa người như tôi là “nửa địa phương, nửa trung ương”, lương bổng thì Trung ương, công tác quản lý cán bộ là địa phương, nhưng thi đua khen thưởng thì không có. Theo luật thì khen thưởng cấp chiến sĩ thi đua phải đánh giá cán bộ, nhưng không biết công tác thi đua ở đâu, rất chênh vênh. Chính vì vậy luật lần này phải quy định rõ hơn nữa vấn đề cơ quan quản lý cán bộ của địa phương đối với đại biểu chuyên trách.

Đại biểu các đoàn tham gia thảo luận tổ về Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: Quốc Vương

Tại khoản 1, Điều 87, chúng tôi thống nhất rằng mỗi lần họp các ủy ban thì phải quá 1/2 thành viên tham dự để khắc phục tình trạng ĐBQH vắng rất nhiều các đại biểu là thành viên của ủy ban, và quá nửa thành viên của ủy ban biểu quyết tán thành.

Luật cũng cần quy định rõ ràng thời gian gửi giấy mời và cung cấp tài liệu. Thời gian nhận giấy mời rất cận kề, khi ra họp lại không có tài liệu, trong khi tài liệu rất nhiều nhưng vào họp mới được cung cấp tài liệu. Để nâng cao hơn nữa hoạt động của các ủy ban, ngoài việc thành viên tham dự phải đảm bảo tài liệu được gửi tới sớm hơn để đại biểu chuẩn bị, có nội dung phát biểu tại hội nghị của ủy ban.

Về khoản 1, Điều 104 chúng tôi thống nhất về kinh phí hoạt động các cơ quan của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý. Hiện nay, ngoài Tổng thư ký Quốc hội ra còn có ban thư ký, phó tổng thư ký và các ủy viên. Tuy nhiên hoạt động này chưa được quy định, đề nghị bổ sung thêm, trách nhiệm rõ ràng hơn vấn đề này.

Nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa phát biểu thảo luận. Ảnh: Quốc Vương

Điều 85 về nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên của Ủy ban Quốc hội, tôi thống nhất với 7 nhiệm vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, ở đây chỉ mới quy định công tác điều hành của các ủy ban, vấn đề chuyên môn hiện nay có vụ chuyên môn, chuyên ngành tham mưu cho các ủy ban như Vụ Tài chính ngân sách tham mưu cho Ủy ban Tài chính ngân sách, nhưng vấn đề điều hành của đồng chí chủ nhiệm ủy ban vẫn chưa quy định trong luật. Đề nghị bổ sung thêm nội dung này để hoạt động hiệu quả.

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, chúng tôi thống nhất việc thành lập thêm các tiểu ban trong hội đồng, các ban. Đề nghị thay các cụm từ “Trưởng tiểu ban” thành Thường trực các tiểu ban và Thường trực Hội đồng dân tộc để nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò và điều hành tốt hơn nữa tổ chức hoạt động của các tiểu ban.

Đồng tình với phát biểu của đại biểu Nguyễn Chí Tài, Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, cần thận trọng trong sửa luật, bởi trong tương lai nếu sáp nhập các Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn Phòng HĐND cấp tỉnh thì các đồng chí Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn ĐBQH điều hành thế nào, rất khó, lúc đó lại phải sửa luật tiếp.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cũng cho rằng, cần quy định rõ khi đồng chí Trưởng đoàn vì lý do gì đó mà rời khỏi vị trí công tác thì đương nhiên đồng chí Phó trưởng đoàn lên thay.

“Tôi kỳ vọng muốn nâng cao chất lượng hoạt động của các Đoàn ĐBQH và ĐBQH- những thành tố làm nên chất lượng của hoạt động của Quốc hội.Cần làm rõ hơn nội dung này trong luật”- đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa nhấn mạnh.

Thái Bình (ghi)

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/luat-phai-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cua-quoc-hoi-a79041.html