Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Mưa lớn, đề phòng sạt lở
TTH - Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, dự báo mưa cường độ lớn nhất tập trung trong 2 ngày tới (ngày 10 và 11/10), với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm, đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở ở nhiều địa phương.
Với 51 khu vực sạt lở trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, trong đó có nhiều vùng trọng điểm đang sạt lở tiếp diễn mỗi mùa mưa bão gây nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng người dân, tài sản Nhà nước. Việc cảnh báo sớm và từng bước đầu tư các công trình ứng phó sạt lở đang là giải pháp hiệu quả được đặt ra hiện nay.
Tuyến đường 71 dài 50km nối địa bàn huyện A Lưới và Phong Điền do các chủ thủy điện bỏ vốn đầu tư khi triển khai xây dựng các công trình trên thượng nguồn sông Rào Trăng. Qua các đợt mưa bão, tuyến đường này thường xuất hiện sạt lở nhiều điểm, gây “hở hàm ếch” bên mặt đường. Với đặc thù địa hình núi dốc, cắt ngang nhiều suối nhỏ, mỗi khi mưa lớn, gây nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến đường khi có nhiều phương tiện, công nhân thủy điện và lâm dân đi lại trên địa bàn.
Mới đây, sau bão số 4, trên tuyến đường 71 đã xuất hiện điểm sạt lở về cơ bản chưa gây chia cắt giao thông trên tuyến nhưng để đảm bảo an toàn, tránh các thiệt hại về người và tài sản, UBND huyện Phong Điền đã giao UBND xã Phong Xuân tổ chức lực lượng chốt trực nhằm cấm đường, không cho người và phương tiện di chuyển trong thời gian mưa bão nhằm tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Ông Lê Văn Hoa, Giám đốc Công ty Thủy điện Rào Trăng 4 cho biết, đường 71 là tuyến huyết mạch phục vụ vận hành, cứu nạn, cứu trợ của các nhà máy thủy điện và di chuyển qua lại của người dân trong vùng. Nhiều năm nay, ngoài nguyên nhân xói lở bởi mưa lũ, còn có nguyên nhân chủ yếu là khai thác, tận thu gỗ rừng trồng sản xuất nên hằng ngày xe chở keo có trọng tải lớn chạy qua khiến bề mặt đường hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng, dễ xảy ra tai nạn khi lưu thông qua lại.
Các chủ đầu tư tự bỏ kinh phí sửa chữa, khắc phục và cải tạo các đoạn tuyến bị hư hỏng nặng khoảng 500 triệu đồng. Hiện nay, công tác sửa chữa đường vẫn đang tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, theo kế hoạch, UBND huyện Phong Điền tiếp tục đấu giá, tận thu diện tích gần 42ha rừng trồng tại tiểu khu 63 trong thời gian tới. Như vậy, tuyến đường đã xuống cấp và không thể lưu thông, nay sẽ xuống cấp hơn khi xe khai thác gỗ có tải trọng lớn tiếp tục di chuyển qua lại trong thời gian đến và kết hợp với mùa mưa cận kề.
“Sau khi sửa chữa xong, đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, giám sát không để tình trạng xe quá tải, quá khổ lưu thông trên tuyến đường 71 (chỉ cho phép xe có trọng tải 3,5 tấn trở xuống lưu thông). Đồng thời, vào mùa mưa từ tháng 9 -12 không tổ chức khai thác do vào mùa này mặt đường và nền đường yếu, nếu tổ chức khai thác sẽ gây ra hư hỏng đường và không đảm bảo an toàn”, ông Hoa đề xuất.
Tương tự, đợt mưa lũ hiện nay, các khu vực cần đề phòng trượt lở đất đá đồi núi, các địa bàn dân cư dọc tuyến quốc lộ 49A. Đặc biệt chú ý các điểm trượt lở đoạn qua đèo A Co trên Quốc lộ 49A, dọc đường Hồ Chí Minh và sạt lở bờ sông A Sáp, sông Bồ, sông Hữu Trạch.
Đợt mưa lớn này, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương cần lưu ý các điểm sạt lở đất đá có khả năng rất cao tiếp tục sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua khu vực đèo Pê ke (Hồng Thủy, A Lưới) và khu vực sạt lở phía sau chợ Bốt Đỏ (Phú Vinh, A Lưới).
Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, trước mưa bão, đơn vị thường có thông báo về việc cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh để các địa phương, đơn vị chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó. Đợt mưa với cường độ lớn những ngày tới ngoài sạt lở còn gây nguy cơ ngập úng đô thị, đặc biệt là những tuyến đường thấp trũng và hệ thống thoát nước chậm ở TP. Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy.
Trước mắt, để ứng phó tình trạng sạt lở, đơn vị yêu cầu các địa phương chỉ đạo thực hiện bố trí tiêu vè, rào chắn, biển báo tại các đoạn bị sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông khi đi qua khu vực này. Đồng thời, có kế hoạch di dời, sơ tán các hộ dân sinh sống ở ven sông, ven suối trong khu vực sạt lở nguy hiểm khi có mưa bão đến. Rà soát phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm cửa sông, ven biển, ven sông, suối, ngập úng đô thị nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân.
Về lâu dài, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đã đề xuất UBND tỉnh, kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương sớm bố trí vốn thực hiện xây dựng các khu tái định cư di dân đến nơi an toàn và các công trình ứng phó sạt lở ở các địa phương. Trong điều kiện hiện nay, việc điều tra, thiết lập các bản đồ cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở đất là một trong những tài liệu rất có giá trị để các cơ quan chuyên môn tham mưu chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai công tác di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, đồng thời làm cơ sở để quy hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội lâu dài.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/mua-lon-de-phong-sat-lo-a118602.html