Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Phát triển bền vững ngành chăn nuôi

Sau thời gian ngắn ổn định, từ đầu tháng 3 đến nay, giá thịt heo liên tục biến động, hiện dao động ở mức 50.000 - 57.000 đồng/kg. Giá cả thị trường biến động là chuyện bình thường, nhưng so với mức đỉnh điểm 150.000 đồng/kg và trong bối cảnh giá thức ăn gia súc tăng mạnh, mức giá thấp hiện nay là chưa hợp lý, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Việt Nam có quy mô ngành chăn nuôi nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, hiện đóng góp 25% GDP cho ngành nông nghiệp, với tốc độ tăng trưởng khá cao và còn dư địa lớn về năng suất, chất lượng, thị trường. Còn theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dù ngành chăn nuôi Việt Nam nằm trong top đầu Đông Nam Á về quy mô, song lại phụ thuộc 70-85% nguyên liệu thế giới. Trong khi đó, thức ăn chiếm tỷ trọng 65-70% giá thành sản xuất chăn nuôi. Theo dự báo, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraina làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, hạn chế nguồn cung nên giá nguyên liệu thức ăn gia súc sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao đến hết năm 2022.

Nhắc lại các nhận định trên để thấy, bức tranh ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế sẽ còn phải đối diện nhiều thách thức, rủi ro trong thời gian tới, chưa kể yếu tố dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợi châu Phi vẫn chưa được khống chế hiệu quả. Trong bối cảnh đó, việc tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, phát triển các mô hình phù hợp để hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững là yêu cầu bức thiết.

Trên thực tế, việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã được đặt ra từ lâu và có những chuyển động tích cực thời gian qua. Tuy nhiên, bức tranh chung vẫn chưa có nhiều mảng sáng. Các chính sách khuyến khích chăn nuôi tập trung, chăn nuôi bền vững, các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với HTX, hộ chăn nuôi đã hình thành nhưng chưa nhiều và chưa trở thành trụ cột của ngành chăn nuôi. Ngay như ở Thừa Thiên Huế, dù có Tập đoàn Quế Lâm - một trong những tập đoàn tiên phong trong áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, có tổ hợp chăn nuôi 4F, có 3 cơ sở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và tích cực liên kết với các HTX, nông hộ chăn nuôi an toàn sinh học, nhưng quy mô còn khiêm tốn, sản phẩm chưa phổ biến trên thị trường.

Trong khi đó, với thói quen sản xuất nông hộ, mạnh ai nấy làm, khi giá thị trường tăng cao thì ồ ạt thả giống và chỉ sau một vài chu kỳ xuất chuồng thì bắt đầu xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá bán lao dốc, heo tồn đọng nhiều. Điệp khúc giải cứu lại bắt đầu. Chuyện “treo chuồng” lại diễn ra.

Cung - cầu là 2 mặt của quá trình sản xuất, quyết định đến giá cả của sản phẩm. Với người nông dân, vấn đề này là vượt tầm bởi họ không có điều kiện và cơ sở dữ liệu để dự báo. Đây là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, là tiền đề để có cơ chế, chính sách trong đầu tư phát triển. Dù dự báo có thể chưa chính xác 100%, giá cả có khi lên khi xuống, nhưng đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng ngành chăn nuôi và nhu cầu thị trường sẽ tránh được khủng hoảng thừa trong trung và dài hạn.

Trong chăn nuôi, thức ăn chiếm tỷ trọng cao nên cần có sự chủ động trong nguyên liệu. Nước ta có nền nông nghiệp tương đối phát triển, đa dạng cây trồng có thể chủ động nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc. Cái thiếu ở đây là cơ cấu cây trồng chưa hợp lý, các chính sách thúc đẩy sản xuất chưa thực sự khuyến khích người nông dân. Chẳng hạn, chuyện trồng cỏ nuôi bò trước đây là điều ít ai nghĩ tới, nay phát triển rộng khắp, phục vụ phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Khi chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, giá cả ổn định, người chăn nuôi sẽ hạch toán được đầu vào và đầu ra để quyết định đầu tư, khai thông nội lực, thúc đẩy phát triển chăn nuôi.

Về phía người chăn nuôi, tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ không còn phù hợp với sản xuất quy mô hàng hóa, cần phải có sự đầu tư cả vốn lẫn khoa học công nghệ, áp dụng các mô hình chăn nuôi tiên tiến. Việc liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông) sẽ là chìa khóa giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, người nông dân có thể sống được và sống khỏe từ chăn nuôi.

Hoàng Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/phat-trien-ben-vung-nganh-chan-nuoi-a111132.html