Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Tăng phí tham quan phải gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích
Chiều 13/8, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ, UBND tỉnh tiến hành phiên họp nhằm thông qua một số báo cáo, đề án của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua. Đáng chú ý là việc cho ý kiến về phương án điều chỉnh mức thu phí tham quan di tích lịch sử văn hóa thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Điều chỉnh phí tham quan di tích
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, mục tiêu của việc điều chỉnh phí tham quan nhằm phấn đấu tăng trưởng nguồn thu từ bán vé tham quan di tích Huế giai đoạn 2020 - 2022 đạt 5-10%. Đồng thời, giảm gánh nặng đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, tăng cường nguồn đầu tư ngân sách địa phương từ việc phát huy giá trị di tích phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn, trùng tu và tôn tạo, trả lại giá trị nguyên vẹn các công trình kiến trúc; mở rộng quy mô phục vụ, tạo thêm điểm nhấn mới; nâng cao tính cạnh tranh, thu hút và làm tăng khả năng tham quan của du khách, kéo dài thời gian lưu trú…
Theo đó, mức điều chỉnh tăng phân chia theo 4 khu vực tham quan (chủ yếu áp dụng cho khách quốc tế và khách nội địa): nhóm 1 quần thể di tích Hoàng Cung Huế tăng từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng; nhóm 2 quần thể các lăng vua Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng tăng từ 100.000 đồng lên 150.000 đồng; nhóm 3 quần thể các lăng vua Gia Long, Thiệu Trị, Đồng Khánh tăng 40.000 đồng lên 50.000 đồng; nhóm 4 Điện Hòn Chén, Cung An Định, Đàn Nam Giao tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng. Tuy nhiên, giá vé gộp 4 điểm tham quan cao nhất 530.000 đồng thay vì 650.000 đồng như trước đây. Ngoài ra còn có một số chính sách đối với trẻ em, người Huế và các đối tượng ưu tiên theo quy định.
Dự kiến, sau 3 năm thực hiện điều chỉnh giá vé theo mức trên, doanh thu cho cả giai đoạn 2020 - 2022 ước đạt trên 1.450 tỷ đồng (trung bình mỗi năm 483 tỷ đồng).
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, tăng giá vé là hợp lý, đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. Tuy nhiên, mức tăng các mức vé cần có sự sắp xếp có lộ trình hợp lý. Không tăng một cách nóng vội. Về lâu dài phải hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát huy các di tích vốn có, tránh vì tăng thu mà làm tác động đến di tích. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần hoàn chỉnh lại đề án để trình HĐND tỉnh đảm bảo có tính khả thi cao.
Sắp xếp, hợp nhất 7 đơn vị cấp xã
Về đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, đến nay tại các xã thuộc diện sắp xếp đã triển khai các bước và đồng thuận nhập toàn bộ địa giới hành chính (ĐGHC) của 7 xã thuộc diện sắp xếp. Theo đó, sáp nhập xã Hồng Tiến và xã Bình Điền thành xã mới có tên gọi Bình Tiến (TX. Hương Trà); nhập toàn bộ ĐGHC xã Vinh Hải và xã Vinh Giang thành xã Giang Hải (Phú Lộc); nhập toàn bộ ĐGHC xã A Đớt và Hương Lâm thành xã Lâm Đớt; nhập toàn bộ ĐGHC xã Hồng Quảng và xã Nhâm thành xã Quảng Nhâm; nhập toàn bộ ĐGHC xã Bắc Sơn và xã Hồng Trung thành xã Trung Sơn (A Lưới); nhập toàn bộ ĐGHC xã Hương Giang và xã Hương Hòa thành xã Hương Xuân (Nam Đông); nhập toàn bộ ĐGHC xã Vinh Phú và xã Vinh Thái thành xã Phú Gia (Phú Vang).
Đến nay, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các địa phương, các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và những tác động tích cực của việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác vận động, thuyết phục tạo sự đồng thuận trong xã hội, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân ở địa phương. Công tác rà soát và lập danh sách cử tri, niêm yết danh sách cử tri, tổ chức lấy ý kiến cử tri bằng hình thức phát phiếu trực tiếp theo từng hộ gia đình được thực hiện công khai, dân chủ, đúng pháp luật.
Kết quả lấy ý kiến cử tri: Cử tri đồng ý trên 80% tại 9 xã; cử tri đồng ý từ 60% - 80% tại 4 xã; cử tri đồng ý 54,87% tại 1 xã. Kết quả biểu quyết của HĐND xã: Trên 90% tổng số đại biểu HĐND xã đồng ý tại 5 xã; trên 80% tổng số đại biểu HĐND xã đồng ý tại 8 xã; 64% tổng số đại biểu HĐND xã đồng ý tại 1 xã. Kết quả biểu quyết của HĐND cấp huyện: Phú Vang 94,74%, Hương Trà 91,18%, Phú Lộc 88,57%, A Lưới 96,55%, Nam Đông 100%.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ lưu ý, việc sắp xếp, hợp nhất các xã phải gắn với đổi mới, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch trong việc rà soát, đánh giá, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tại các xã thuộc diện sắp xếp. Ngoài ra, cần làm tốt công tác tư tưởng, nắm bắt dư luận xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương. Tỉnh sẽ quan tâm tạo mọi điều kiện về bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đề án; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đạt hiệu quả cao nhất.