Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Tạo động lực phát triển ngành nông nghiệp
Trong phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường trong hai ngày 30 - 31/10, bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, các đại biểu chỉ ra nhiều bất cập và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trong đó, việc đẩy mạnh tái cơ cấu, tạo động lực phát triển mới cho ngành nông nghiệp là một trong những vấn đề đáng quan tâm.
Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), ngành nông nghiệp nước ta chậm chuyển dịch so với xu thế chung của nông nghiệp thế giới hiện nay là sản xuất tập trung, chất lượng cao, tăng cường gắn kết, gắn bó lợi ích trong các chủ thể.
Về thị trường xuất khẩu nông sản, thời gian qua tuy kim ngạch xuất khẩu có tăng, nhưng dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam có biểu hiện thu hẹp dần; nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có nguy cơ mất thị trường; thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường tiểu ngạch…
Chỉ riêng con số 90% hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch mà đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết dẫn chứng chúng ta phần nào thấy được sự bấp bênh trong sản xuất, xuất khẩu nông thủy sản của nước ta.
Điều này thấy rất rõ qua việc cách đây ít ngày, hàng nghìn xe chở thanh long ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn chờ xuất sang Trung Quốc. Tuy đây là 1 trong 9 loại hoa quả tươi của Việt Nam được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch, nhưng đa phần người dân vẫn chọn con đường xuất khẩu tiểu ngạch. Trong khi đó, từ đầu năm 2019, Trung Quốc thắt chặt việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nên việc xuất khẩu tiểu ngạch thời gian tới càng bị hạn chế.
Cái lợi của xuất khẩu tiểu ngạch là thuế suất thấp hơn xuất khẩu chính ngạch; thủ tục dễ dàng, không cần hóa đơn, chứng từ thanh toán, hợp đồng ngoại thương như qua đường chính ngạch. Tuy nhiên, mặt trái của nó thường không có tính ổn định, giá trị giao dịch nhỏ, không đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp. Ví một cách dễ hiểu, giống như nhập hàng vào siêu thị tuy yêu cầu khắt khe hơn, nhưng hợp đồng có tính pháp lý, người bán hàng an tâm về giá cả, số lượng, sự an toàn trong thanh toán. Còn đem bán ở chợ thì dễ dàng hơn, nhưng giá cả bấp bênh, tùy theo buổi chợ, khi ế ẩm người bán chịu thiệt hại. Ngay như mặt hàng mủ cao su ở tỉnh ta, lâu nay giá cả bấp bênh bởi một phần chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch.
Tham khảo con số của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước 9 tháng đầu năm đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngoài nhóm lâm sản tăng 18% thì kim ngạch xuất khẩu của 2 nhóm nông sản và thủy sản đều giảm theo thứ tự là 7,2% và 2%. Trong 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành nông nghiệp nước ta thì Trung Quốc chiếm đầu bảng với 21,5%, tiếp theo là Mỹ (21,2%), EU (11,9%), ASEAN (9,6), Nhật Bản (8,5%).
Nhưng cái khác biệt ở đây, trong khi hàng hóa nông thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu theo con đường tiểu ngạch còn các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản lại chủ yếu theo đường chính ngạch. Điều này cũng thể hiện sự khác biệt về cách thức tổ chức sản xuất, chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Để xuất khẩu vào các thị trường khó tính giàu tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật Bản rõ ràng trong tổ chức sản xuất, xuất khẩu cũng phải làm bài bản, đáp ứng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững, tạo giá trị gia tăng. Qua đó, tạo động lực mới thúc đẩy ngành nông nghiệp chuyển đổi mạnh trong việc tổ chức sản xuất, quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm đáp ứng hàng rào kỹ thuật của các nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.