Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Thiếu nhân lực hay thiếu đơn hàng?

Cho đến thời điểm này, với các khu công nghiệp phía nam, bài toán nguồn nhân lực lao động vẫn tiếp diễn, và là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Nhiều công ty đứng chân ở Đồng Nai, Bình Dương vẫn chưa giải quyết được áp lực thiếu nguồn lao động, với nhu cầu cần tuyển lên đến vài trăm người, thậm chí nhu cầu cần vào khoảng 70.000 người để lấp đầy các khoảng trống trong nhà máy. TP. Hồ Chí Minh có lẽ là nơi thiếu hụt nguồn nhân lực nhiều nhất, với nhu cầu tuyển dụng hơn 83.000 công nhân. Thông tin từ báo Tiền Phong ngày 13/6 cho hay, từ nay đến cuối năm, TP. Hồ Chí Minh cần từ 135.000-150.000 công nhân. Thiếu lao động ở đây vẫn là khả năng hiện hữu, nhất là vào những tháng cuối năm.

Không quá căng thẳng như phía nam, vấn đề của các doanh nghiệp phía bắc hiện nay là việc thiếu lao động một cách cục bộ. Tuy nhiên, điều này cũng tác động không nhỏ đến các dây chuyền sản xuất hay, hoặc làm việc vận hành các bộ phận có những chệch choạc nhất định, phải liên tục xử lý và điều chỉnh với các giải pháp tạm thời để ổn định hoạt động.

Xác định sự thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, con số mà vneconomy.vn đưa ra là vào khoảng 120.000 lao động. Con số này cao hơn những năm trước khoảng 2-3% và chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ, và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục… và cho đến giờ vẫn chưa tuyển đủ nhân lực khi bắt đầu hồi phục trở lại.

Thực ra, những điều này đã được dự báo từ trước, khi nhiều lao động trở về quê hương thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra đã chọn ở lại. Họ có thể quay lại với nghề nông hoặc trở thành công nhân tại các nhà máy, công ty ở địa phương. Một số khác lại chọn chuyển đổi ngành nghề chứ không quay trở lại đơn vị cũ. Việc hạn chế về kỹ năng theo tiêu chí của nhà tuyển dụng về trình độ, tay nghề và việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất cũng là khía cạnh khác mà người lao động chần chừ. Cũng cần nói thêm là chi phí và giá cả ở những nơi đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, công nhân… là điều mà người lao động vẫn đặt ra trong một tương quan so sánh được hơn ở thời điểm hiện tại. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến thiếu, hoặc thiếu nguồn lực cục bộ ở hai đầu đất nước trong thời điểm hiện tại.

Trao đổi với chúng tôi về điều này, ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế cho hay, lao động ở công ty hiện vẫn ổn. Điều này bắt nguồn từ chế độ lương, thưởng tương đối ổn định. Công ty cũng có nhiều lao động từ các tỉnh về tham gia vào dây chuyền sản xuất. Vấn đề của Dệt may Huế hiện nay – theo Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Phong - thì đối với công ty, cũng như vài đơn vị khác là ở chỗ thiếu đơn hàng chứ không phải thiếu lao động. Công ty đang tập trung tìm nguồn và giải pháp để giải quyết việc có thêm các đơn hàng vào cuối tháng 6 này cũng như cho quý 3 sắp tới. Một thông tin khác cũng cho hay, một vài công ty hiện đang sắp xếp cho công nhân giãn việc, cũng vì thiếu đơn hàng.

Dù thế nào đi chăng nữa, đây vẫn là vấn đề mà những người có trách nhiệm ở các doanh nghiệp đang tìm cách tháo gỡ, vừa để giải quyết nguồn lao động, xây dựng hệ sinh thái bền vững cho công ty và phát huy/phát triển được năng lực hoạt động của mình.

Nguyễn An Bình

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/thieu-nhan-luc-hay-thieu-don-hang-a114542.html